Cần cơ chế định giá carbon ở cấp độ quốc gia và xuyên quốc gia
Xây dựng các cơ chế định giá carbon ở cấp độ quốc gia và xuyên quốc gia, thông qua những mối liên kết và liên minh khu vực là một trong bốn giải pháp mà chính phủ các nước châu Á nên nhanh chóng thực hiện...
Dù thương mại và đầu tư là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng ở châu Á trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, nó cũng dẫn tới sự gia tăng lớn lượng khí thải các-bon đi-ô-xít trong khu vực này, nơi dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á (AEIR) 2023, được ADB công bố hôm qua cho thấy, để đảo ngược xu hướng đó, cần có những biện pháp như thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh, phát triển các cơ chế định giá carbon, và tăng cường hợp tác khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại và đầu tư.
Cần có những biện pháp như thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh, phát triển các cơ chế định giá carbon, và tăng cường hợp tác khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại và đầu tư
(Báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á (AEIR 2023) của ADB)
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, chia sẻ: “Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của châu Á và Thái Bình Dương đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo khổ, nhưng điều này phải trả giá bằng môi trường. Khu vực này hiện đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, có thể làm trật hướng tiến trình phát triển. Thương mại và đầu tư vẫn là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và giảm nghèo, nhưng các chính phủ trong khu vực cần tăng cường hợp tác để làm cho thương mại và đầu tư trở nên xanh hơn”.
Từ năm 1995 tới năm 2019, lượng phát thải carbon liên quan tới sản xuất của châu Á đã tăng gần gấp 3 lần, chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa chưa từng có của khu vực để đáp ứng nhu cầu cả bên trong khu vực và các thị trường xuất khẩu.
Châu Á và Thái Bình Dương hiện đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Gần 40% thiên tai của thế giới diễn ra trong khu vực này, và hơn 70% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai sống tại châu Á và Thái Bình Dương. Ảnh hưởng của thiên tai là nặng nề hơn đối với phụ nữ và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
ADB khuyến nghị một số giải pháp giúp các chính phủ trong khu vực có thể làm cho thương mại và đầu tư trở nên bền vững hơn và xanh hơn.
Thứ nhất, thúc đẩy thương mại hàng hóa môi trường, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, và dịch vụ môi trường
Thứ hai, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh thông qua quy định pháp lý, chính sách khuyến khích, các tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận.
Thứ ba, tăng cường hợp tác pháp lý quốc tế để khiến các cam kết và hành động khí hậu trở nên minh bạch, vững chắc, được áp dụng chung và có tính hợp tác.
Thứ tư, xây dựng các cơ chế định giá carbon ở cấp độ quốc gia và xuyên quốc gia, thông qua những mối liên kết và liên minh khu vực.
Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh.
Theo báo cáo năm 2023 của ADB, hội nhập khu vực tiến triển đều đặn và vẫn duy trì ổn định trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tăng trưởng thương mại chậm lại trong năm 2022 sau khi hồi phục mạnh mẽ vào năm 2021.