Cần một liên minh để phát triển xe điện ở Việt Nam
Mặc dù xe điện là xu hướng tất yếu của thời đại, nhưng thực tế phát triển xe điện tại mỗi quốc gia đang có sự khác biệt rõ rệt. Thậm chí, tại những thị trường mới nổi và đầy tiềm năng như Việt Nam, các doanh nghiệp dường như vẫn đang “cô đơn” trong tiến trình điện khí hóa. Nếu các bên có thể ngồi lại với nhau, cùng tìm ra con đường phát triển chung, phát huy tối đa năng lực của mỗi quốc gia, doanh nghiệp thì có thể sẽ phá vỡ những rào cản để hướng tới phát triển bền vững.
Tăng cường hoạt động hợp tác, giao thương
Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước một ngưỡng cửa lịch sử, một cơ hội “vàng” để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, thông qua việc đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực xe điện. Xe điện ở đây, không chỉ là ô tô điện, xe đạp, xe máy điện, mà còn bao gồm cả các phương tiện vận tải công cộng. Trong lĩnh vực E-Mobility (phương tiện di động bằng điện), ngoài các phương tiện kể trên, còn bao hàm cả các lĩnh vực liên quan như trạm sạc xe điện, pin xe điện, năng lượng tái tạo...
Thực tế, với những thị trường nhỏ nhưng tiềm năng, việc chuyển đổi từ phương tiện dùng động cơ đốt trong sang phương tiện sử dụng năng lượng “xanh”, thân thiện với môi trường không thể thực hiện một cách ồ ạt như ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc. Do nguồn lực có hạn, Chính phủ các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia buộc phải xây dựng những lộ trình phù hợp để chuyển đổi dần sang xe điện. Giải pháp cơ bản nhất là đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên phát triển xe điện, nhưng lại thiếu đi những hỗ trợ cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực, ươm mầm công nghệ hoặc những ưu đãi về vốn vay. Điều quan trọng là doanh nghiệp vẫn phải tự lực cánh sinh, tự tìm giải pháp, con đường và bạn hàng của riêng mình v.v...
Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, dù “có lòng nhưng không đủ lực”. Tại Việt Nam hiện có không ít doanh nghiệp tiềm năng, có năng lực, chuyên môn cao về những lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là về công nghệ phần mềm, nhưng thiếu tính kết nối với bên ngoài nên vẫn gặp khó khăn khi muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Do đó, những hoạt động giao thương tầm cỡ quốc gia có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa các nước, và hơn hết sẽ truyền cảm hứng, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tin, dấn thân, tạo bước đột phá.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Theo thống kê, Hàn Quốc đứng thứ 1/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 80,97 tỷ USD, triển khai 9.534 dự án (tính đến cuối năm 2022). Hàn Quốc cũng là đối tác phát triển ODA lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Đặc biệt, sau sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân thăm chính thức Việt Nam mới đây, nhiều hoạt động giao thương, hợp tác giữa các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã diễn ra sôi nổi. Với vai là cầu nối giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, từ ngày 7 – 17/8/2023, Trung tâm nghiên cứu phương tiện di động tương lai (FMC) đã mời các chuyên gia từ nhiều nước đến thăm quan và làm việc tại Hàn Quốc để chia sẻ về xu hướng nghiên cứu, phát triển xe điện trong sự kiện "The Experience of Korea E-mobility".
Sự kiện đã thu hút các chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp E-Mobility từ 4 quốc gia, bao gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội (Việt Nam), Đại học UNICAMP và Đại học PUCRS (Brazil), Viện Nghiên cứu Công nghiệp Khoa học - CSIR (Nam Phi), Viện Nghiên cứu Ô tô - TAI (Thái Lan). Các đại biểu đã tham quan, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu Ô tô Hàn Quốc (KATECH), Phòng thí nghiệm Ô tô của Đại học KAIST, Viện Kiểm nghiệm Công nghiệp Hàn Quốc (KTL), Chính quyền Tỉnh Kangwon, Trường Đại học Ô tô Ajou (Ajou Motor College), DPECO, EVSIS, My Velo, Viện Nghiên cứu An toàn Ô tô (KATRI)... Sự kiện sẽ là tiền đề cho kế hoạch thành lập một “Trung tâm di động điện tử toàn cầu và liên minh của 17 quốc gia", kết hợp công nghệ và các sản phẩm tuyệt vời của Hàn Quốc với quy mô thị trường của 17 quốc gia.
Ông Lee Dong Won, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu di động tương lai (FMC) chia sẻ rằng: "Việc hợp tác với các quốc gia mới nổi sẽ có tác động tích cực đến việc hình thành một 'Liên minh thân thiện'. Thời đại ngày nay, một tiêu chuẩn chứng nhận có thể trở thành 'Rào cản thương mại'. Nếu có mối quan hệ thân thiện, Hàn Quốc có thể thiết lập tiêu chuẩn dựa trên 'chất lượng' với điều kiện tốt cho Hàn Quốc, và trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Hàn Quốc có thể dẫn đầu."
Trực tiếp đến thăm và làm việc cùng đoàn công tác, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, start-up công nghệ tại Hàn Quốc có sự liên kết rất mật thiết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để cùng nhau phát triển những công nghệ lõi, từ đó phát triển mạnh thị trường nội địa, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm và mạng lưới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Do dó, doanh nghiệp Hàn Quốc rất sẵn lòng chia sẻ công nghệ với các nước khác để cùng nhau phát triển thị trường. Đó là một cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chúng ta”.
Hướng đến giảm giá thành xe điện
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giá cả và trạm sạc là hai yếu tố cơ bản tác động đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng tại Việt Nam. Việc sở hữu một chiếc ô tô điện với mức giá lăn bánh trên 1 tỷ đồng vẫn ngoài tầm với so với số đông người dùng Việt. Theo thống kê chưa đầy đủ, đa số người dùng ô tô điện tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại đều đã có ít nhất một chiếc ô tô chạy động cơ đốt trong trước đó. Khoảng 95% ô tô điện đang lưu hành là xe VinFast.
Tới đây, thị trường ô tô cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ đón nhận hàng loạt mẫu xe điện mini giá rẻ nhập khẩu từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. VinFast cũng đã có kế hoạch chào bán mẫu xe mini mang tên gọi VF 3 từ tháng 9/2023 và chính thức bàn giao trong quý 3/2024. Một số hãng như Wuling lựa chọn hợp tác với TMT Motor để sản xuất, lắp ráp mẫu Wuling Hongguang Mini EV tại Việt Nam.
Về cơ bản, xe điện mini thường có mức giá rẻ nhất thị trường, thậm chí rẻ hơn nhiều mẫu xe hạng A, nhưng nhiều người vẫn còn e ngại về chất lượng của các dòng xe có xuất xứ từ Trung Quốc. Thực tế doanh số bán hàng định kỳ tại Việt Nam do VAMA cung cấp cho thấy, các dòng xe chạy xăng cỡ nhỏ, phân khúc sedan, MPV, CUV, SUV hạng A, B và một số mẫu xe hạng C vẫn chiếm số lượng áp đảo. Trong đó, những mẫu xe ăn khách nhất thường tập trung vào những thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn đã in sâu vào tiềm thức mỗi người dùng như Toyota, Honda, Hyundai, Kia, Mazda v.v... Lý do rất đơn giản, đó là vừa túi tiền của số đông người dùng Việt, chi phí “nuôi” xe thấp và linh kiện, phụ tùng sẵn có.
Tuy nhiên, khi các hãng xe này chuyển đổi dần sang động cơ điện, công nghệ thay đổi, chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến giá thành một chiếc xe điện đội lên rất nhiều, đặc biệt là những mẫu xe phải nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Do đó, việc thành lập một liên minh cùng nghiên cứu, hợp tác phát triển xe điện (E-Mobility) là lựa chọn tuyệt vời để giúp giảm giá thành sản phẩm.
Ông Benedict Son, Tổng Giám đốc của PCN Group chia sẻ: “Giá một chiếc ô tô điện tại Việt Nam vẫn còn khá cao, những người có thu nhập thấp chưa thể tiếp cận. Nếu Việt Nam – Hàn Quốc và các nước khác cùng nhau hợp tác phát triển E-Mobility, tập trung lắp ráp, sản xuất các sản phẩm phù hợp hơn như ô tô điện mini, xe đạp điện, xe máy điện, chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành giấc mơ E-Mobility cho tất cả mọi người ngay tại Việt Nam”.
Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, thị trường Việt Nam có dư địa, tiềm năng lớn để phát triển E-Mobility. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước lại thiếu định hướng và công nghệ về E-Mobility chất lượng cao, trong khi đó, Hàn Quốc dù có công nghệ nhưng lại cần phát triển, mở rộng thị trường. Đó là yếu tố then chốt để các bên có thể cùng nhau bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất ra các mô hình phát triển E-Mobility cho từng khu vực.
Ông Worawuth Kovongpanich, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu ô tô Thái Lan cho biết: “Chương trình Trải nghiệm về E-Mobility của Hàn Quốc nhấn mạnh các công nghệ chính của tương lai, bao gồm hệ thống lưu trữ năng lượng điện, lái xe tự động và năng lượng bền vững. Kinh nghiệm và kiến thức vô giá thu được từ chương trình này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp EV của Thái Lan chúng tô. Đồng thời, hợp tác kỹ thuật và quan hệ đối tác chắc chắn sẽ được hình thành giữa Brazil, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam”.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Dream Creative nói: “Thời đại ngày nay, một đất nước không thể tự phát triển riêng lẻ và cũng không thể chỉ biết nhập khẩu. Nếu chúng ta có thể học hỏi từ các nước phát triển và từng bước tự lắp ráp, sản xuất các sản phẩm E-Mobility, chúng ta có thể phát triển các sản phẩm E-Mobility ‘made in Vietnam’, góp phần phát triển kinh tế nước nhà”.
Không chỉ phát triển công nghệ, việc hợp tác giữa các bên sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực ô tô điện. Trên thực tế, ngay tại những nước phát triển cũng đang rất thiếu lao động chất lượng cao và am hiểu công nghệ, kỹ thuật về xe điện. Để làm được điều này, có thể thực hiện bằng các dự án, chương trình đào tạo chuyên sâu giữa các cơ sở đào tạo, trường đại học, có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.