Cần thêm chính sách thúc đẩy công nghiệp phụ trợ ngành ô tô Việt
Nhiều linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trong nước hiện được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% đến hết năm 2027. Thời điểm này hiện không còn xa. Trong bối cảnh đó có thể đẩy giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước tăng cao khi hết hiệu lực ưu đãi. Để giải quyết bài toán này các doanh nghiệp đầu ngành mong muốn Chính phủ quan tâm đến ngành công nghiệp phụ trợ để vực dậy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Chính phủ quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2027, để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.
Nghị định số 101 sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế. Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Đồng thời, điều chỉnh giảm về sản lượng để tham gia chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với bối cảnh mới.
Theo quy định, giai đoạn từ 2022 - 2027, sản lượng lần lượt cho kỳ xét ưu đãi 6 tháng sẽ là 11.500 xe và với kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng là 23.000 chiếc với các loại xe xăng. Trong khi đó, sản lượng riêng mỗi mẫu xe phải đạt là 9.000 xe cho kỳ ưu đãi 12 tháng.
Đối với xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe Hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe sử dụng khí thiên nhiên, yêu cầu sản lượng thấp hơn rất nhiều. Theo đó, với kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng yêu cầu sản lượng tối thiểu là 125 xe với kỳ xét ưu đãi 6 tháng và 250 xe với kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đã đề xuất không bổ sung thêm mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào Danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Thực tế, theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang nhập khẩu tới 80% linh kiện sản xuất. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh doanh. Trong đó, có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao.
Trong khi đó, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hiện có tới gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cấp 1 trong khi Việt Nam chưa đạt con số 100 doanh nghiệp. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Thái Lan đã có trên 1.700 doanh nghiệp, Việt Nam dừng lại ở khoảng 150 doanh nghiệp. Điều này cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực.
Theo Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về dung lượng thị trường, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 466.400 chiếc, chiếm ~70% nhu cầu nội địa. Theo đó, trong năm 2022, Việt Nam đã tiến sát ngưỡng mục tiêu này khi tổng số ô tô xuất xưởng đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với năm 2021, chiếm 71,3% sản lượng toàn thị trường. Tuy nhiên, trong năm 2023, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường ô tô Việt Nam lao dốc. Lũy kế 11 tháng, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 308.600 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ xác định đây là ngành công nghiệp quan trọng, có vai trò tương hỗ với nhiều ngành công nghiệp khác, trong đó có ô tô. Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Việt Nam bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ; tỷ lệ giá trị sản xuất, chế tạo trong nước đối với xe đến 9 chỗ ngồi đạt 40-45%, xe tải đạt 45-55%. Hiện tại, THACO và VinFast là hai nhà sản xuất ô tô đã cơ bản đạt được các tiêu chí này. Đa số các doanh nghiệp khác vẫn dừng lại ở góc độ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, hoặc sản xuất những sản phẩm phụ trợ chiếm tỷ lệ giá trị thấp như sản phẩm từ nhựa, cao su, gia công, ép, dập tạo khuôn...
Như vậy, cách đây gần 10 năm, Chính phủ đã đặt ra kỳ vọng lớn vào ngành công nghiệp ô tô của nước nhà, với định hướng chung là ưu tiên ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Mới đây, trong Dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những vấn đề của ngành công nghiệp ô tô và cho rằng để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô cần xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác...
Theo Dự thảo này, việc hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa;
Thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo... của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô);
Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô.
Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước bằng việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án.
Đa dạng hoá các hình thức đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính để phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư. Huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư một số dự án trọng điểm và có hiệu quả cao; xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư.
Đa dạng hoá đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành theo hình thức PPP, BOT, BT, BO...
Tăng cường thu hút đầu tư thay thế các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ; tiếp nhận - chuyển giao máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong việc chế tạo sản phẩm, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, quy chuẩn sản phẩm.
Đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng, tiết kiệm nguồn nguyên liệu (than, điện, quặng sắt...) để sản phẩm có giá thành cạnh tranh.
Tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố mối quan hệ khoa học - công nghệ giữa các đơn vị sản xuất với các cơ quan nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ - kỹ thuật mới áp dụng vào ngành.
Khuyến khích đầu tư quy mô lớn, tập trung. Đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ: Tuỳ thuộc tính chất, chủng loại sản phẩm, chú trọng cả dự án quy mô lớn (phục vụ xuất khẩu) và quy mô nhỏ làm vệ tinh cho các dự án lớn.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hiện có đầu tư chiều sâu, đầu tư bổ sung, nâng cấp công nghệ, nâng cao công suất lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.
Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp kỹ thuật dựa trên các cam kết, các quy định và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước;
Xây dựng, phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm và doanh nghiệp ô tô trong nước không chỉ trên thị trường nội địa mà còn trên thị trường khu vực và thế giới;...
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là hết sức cần thiết nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng thị trường. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực tế, ở các cường quốc công nghiệp ô tô trên thế giới đều phải đi từ lắp ráp đến sản xuất linh kiện và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, cuối cùng trở thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn. Với thực trạng tại Việt Nam, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp ô tô cần sớm có thêm những chính sách ưu đãi để kích thích doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời có cơ chế hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó để phát triển hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, khi đó chắc chắn ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phát triển và mục tiêu xuất khẩu sẽ ngày càng gần.