Cầu giá cao kém, thị trường tụt áp, khối ngoại xả dữ dội
VIC sáng nay hưởng lợi từ diễn biến tích cực của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq nhưng phần lớn blue-chips lại không hưởng ứng. Lực kéo đơn độc từ cổ phiếu này không đủ duy trì đà tăng của chỉ số, độ rộng co hẹp dần trong phiên cũng xác nhận lực cầu giá cao quá đuối...
VIC sáng nay hưởng lợi từ diễn biến tích cực của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq nhưng phần lớn blue-chips lại không hưởng ứng. Lực kéo đơn độc từ cổ phiếu này không đủ duy trì đà tăng của chỉ số, độ rộng co hẹp dần trong phiên cũng xác nhận lực cầu giá cao quá đuối.
VN-Index đạt đỉnh tăng 1,13% ngay sau khi mở cửa, tương đương hơn 13 điểm. Tuy nhiên toàn thời gian còn lại, chỉ số trượt dần và chốt phiên sáng đã giảm 4,35 điểm, tương đương -0,37%.
Độ rộng cũng phù hợp với diễn biến suy yếu này: Lúc 9h30 chỉ số ghi nhận 256 mã tăng/90 mã giảm, đến lúc VN-Index thủng tham chiếu lúc 10h50 đã là 215 mã tăng/201 mã giảm. Chốt phiên sáng độ rộng còn 173 mã tăng/247 mã giảm.
Số cổ phiếu tụt giá từ xanh thành đỏ lan khá rộng, xác nhận đang có áp lực bán hạ giá dần xuống. Tuy nhiên thanh khoản khớp lệnh HoSE phiên sáng lại giảm khoảng 9% so với sáng hôm qua và tính chung 2 sàn giảm khoảng 10%. Như vậy nguyên nhân của hiện tượng trượt dốc nói trên cũng đến lực lực cầu mua đỡ vùng giá xanh quá kém nên không thể giúp cổ phiếu trụ lại được.
Nhóm cổ phiếu blue-chips suy yếu rất rõ, từ chỗ có tới 28 mã tăng và 2 mã tham chiếu, chốt phiên chỉ còn 6 mã tăng và tới 21 mã giảm. VIC ban đầu tạo cảm hứng rất tốt cho nhóm này, VN30-Index tăng đầu phiên tới 1,2% so với tham chiếu nhưng hiện đã giảm 0,56%. Ngoài VIC, các mã còn tăng là GVR tăng 1,84%, TCB tăng 1,51%, GAS tăng 1,3%, SAB tăng 0,8% và MSN tăng 0,13%.
Ngay cả với các blue-chips còn mạnh nhất này, áp lực bán cũng thể hiện rõ ràng. Lấy ví dụ VIC, hưng phấn cao độ đẩy giá đầu phiên tăng kịch trần 6,98%. Tuy nhiên càng về cuối lực bán càng dày hơn, giá co hẹp lại đáng kể chỉ còn +3,26%, tức là tụt tới 3,48% so với đỉnh. Biên độ tụt giá này có thể coi là một bull-trap đối với những ai đua giá quá hăng hái. Thanh khoản của VIC cũng rất lớn, đạt 11,72 triệu cổ tương đương 796 tỷ đồng. GVR, SAB, MSN, TCB cũng đã trả lại trên 1% mức tăng giá cho thị trường về cuối phiên.
Tổng thể sàn HoSE sáng nay cũng có tới 86% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đã tụt xuống thấp hơn giá đỉnh đầu phiên, trong đó 224 mã tụt trên 1%, tương đương 65% số cổ phiếu có giao dịch. Như vậy hiện tượng suy yếu dần đã diễn ra ở diện rộng.
Khả năng này không khó đoán vì khối lượng bắt đáy về tài khoản hôm qua đã được găm lại rất nhiều, tạo nên nhịp phục hồi tốt. Đầu phiên sáng nay giá lại tăng thêm một nhịp nữa, giúp hàng ngắn hạn có lãi hoặc hòa vốn. Điều này sẽ kích thích các nhà đầu cơ ngại rủi ro bán đi để giảm tỷ trọng hoặc thực hiện lướt sóng nhanh giảm lỗ cho danh mục đang có.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng hạn chế giải ngân, chỉ mua vào khoảng 363,2 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là mức mua kém nhất trong 24 phiên sáng vừa qua. Phía bán ra rất lớn với 884 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 520,8 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay chỉ có 3 phiên sáng khối ngoại rút ròng ở quy mô trên 500 tỷ đồng và sáng nay là lớn nhất.
Sức ép từ phía bán của khối ngoại là khá nặng với nhiều blue-chips. HPG bị xả ròng 99,6 tỷ và lượng bán chiếm gần 47% tổng giao dịch ở mã này và giá chốt phiên sáng giảm 1,53%. SSI bị xả ròng 82,3 tỷ, lượng bán chiếm khoảng 20%, giá giảm 1,14%. VHM bị bán ròng 56,8 tỷ, lượng bán chiếm 51%, giá giảm 1,26%. Ngoài ra VND, STB, VPB, VCB, VNM, MSN… cũng đều bị bán ròng lớn. Tính riêng các cổ phiếu thuộc rổ VN30 sáng nay bị bán ròng 412,2 tỷ đồng.
Hiện tượng suy yếu trong nhóm blue-chips đang ngăn cản đà phục hồi của VN-Index và cũng có ảnh hưởng nhất định đến giao dịch chung. Sáng nay vẫn có 173 cổ phiếu tăng ngược dòng nhưng chỉ có 22 cổ phiếu là còn chốt được ở giá cao nhất phiên. Đồng thời cũng chỉ có 52/172 mã đạt mức tăng giá trên 1% so với tham chiếu và cũng chỉ 13 mã trong 52 mã này có thanh khoản trên ngưỡng 10 tỷ đồng. Ngoài VIC, một số cái tên đáng kể là NVL tăng 2,16% thanh khoản 328,9 tỷ; DIG tăng 1,57% với 290,9 tỷ; DXG tăng 1,57% với 226,4 tỷ; TCB tăng 1,51% với 200,9 tỷ; DGC tăng 1,55% với 119,1 tỷ; PDR tăng 1,21% với 118,4 tỷ. Dù vậy tất cả các mã này đều tụt giá so với mức đỉnh đầu ngày trên 1%.
Việc VIC không đủ sức “hâm nóng” nhóm blue-chips cũng như thị trường chung cho thấy quan điểm giảm rủi ro vẫn đang chiếm ưu thế. Nhà đầu tư mắc kẹt sẽ chọn thời điểm giá phục hồi để cắt lỗ, trong khi nhà đầu tư cầm tiền sẽ chỉ quan tâm vùng giá thấp. Do đó thị trường sẽ có nhịp tăng giá với thanh khoản thấp, nhưng giảm giá sẽ có thanh khoản cao.