CEO công ty dữ liệu hàng đầu thế giới tại Singapore: Bốn bài học tôi đã rút ra sau khi xây dựng một công ty toàn cầu
Có vô số lời khuyên cho các doanh nhân châu Á muốn mở rộng doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Sau khi thực sự phát triển thành công một công ty toàn cầu, doanh nhân Anil mong muốn đưa đến lời khuyên cho các nhà sáng lập cũng đang trên hành trình này…
Anil là Giám đốc điều hành của Near, một trong những công ty dữ liệu chuyên nghiên cứu hành vi người dùng lớn nhất thế giới. Năm 2012, Anil bắt đầu hành trình của mình tại Singapore vì ông cho rằng nếu chinh phục thành công Singapore, doanh nghiệp của ông cũng sẽ dễ dàng mở rộng ra khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, trải qua hành trình này, ông đã nhận ra rằng mỗi quốc gia đều có những nét độc đáo riêng. Khách hàng ở Indonesia hoàn toàn khác với khách hàng ở Hồng Kông, chính vì vậy, bất kỳ hoạt động mở rộng sang thị trường mới nào muốn thành công, cũng đều cần có cách tiếp cận riêng.
Khi công ty Near lần đầu tiên gặp gỡ các công ty ở Nhật Bản, mọi trao đổi dường như diễn ra rất tốt đẹp. Anil kể lại họ rời đi với ấn tượng rằng mọi người đều muốn làm việc với họ, nhưng sau đó họ lại không nhận được bất kỳ phản hồi nào. “Nếu bạn cho rằng sản phẩm đủ tốt và thu hút được sự chú ý ở một thị trường nào đó, thì rất có thể nó vẫn thất bại ở Nhật Bản. Các quốc gia khác như Indonesia và Thái Lan đều học hỏi từ Singapore, vì vậy một khi chúng tôi đã thành lập ở đó, việc chinh phục các thị trường đó sẽ dễ dàng hơn”.
Near hoạt động với tư cách là một công ty chuyên nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng. Họ cần rất nhiều dữ liệu về hành vi của con người để thu thập, phân tích và lập mô hình nhằm tìm hiểu cách thức hoạt động của từng quốc gia và dữ liệu này thì vốn không có sẵn. Họ phải thu thập dữ liệu ở cấp địa phương tại từng quốc gia ở Đông Nam Á.
TẦM NHÌN TOÀN CẦU, HÀNH ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Trước hết, các nhà sáng lập phải xác định một tầm nhìn cụ thể cho công ty của mình để có một tầm nhìn cụ thể nhằm xây dựng chiến lược bài bản. Chỉ khi thực hiện được điều này, các doanh nghiệp mới có thể thích nghi trong khu vực cụ thể để không đánh mất sứ mệnh và mục tiêu của mình.
Ở từng nơi trên thế giới, cơ hội là khác nhau, thế nhưng, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được những khác biệt riêng tại thị trường của họ. Nếu một công ty chuyên giao đồ ăn phải giao hàng lúc 5 giờ chiều, điều này có nghĩa là gì? Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tại thị trường Nhật Bản, mọi người sẽ muốn nó phải được giao trước 5 giờ chiều, trong khi đó người dân Úc chỉ cần nó được giao trước 5:30 chiều. Vì vậy, mỗi khi xâm nhập vào một thị trường nào đó, các doanh nghiệp cần thâm nhập và hiểu rõ văn hóa, đặc điểm của những người dân bản địa để sản phẩm/dịch vụ của mình đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng.
KHÔNG CÓ SẢN PHẨM NÀO LÀ PHÙ HỢP CHO MỌI THỊ TRƯỜNG
Người dân ở Sydney sẽ ăn mặc khác người dân của Pháp, và người Pháp cũng sẽ chẳng mặc giống người dân tại New York. Rất nhiều công ty có suy nghĩ sai lầm là nếu một sản phẩm đã hiệu quả, nó sẽ mang lại kết quả tương tự ở một nơi khác. Đưa doanh nghiệp mở rộng sang một quốc gia mới gần giống như mở một nhà hàng, nhà hàng sẽ không thể giữ nguyên hương vị ban đầu mà sẽ cần biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người dân bản địa. Cũng như vậy, với bất kỳ sản phẩm nào, doanh nghiệp cũng cần tìm ra điểm đau của thị trường mới để thay đổi hoặc tạo ra sản phẩm phù hợp. Điều này sẽ giúp các công ty dễ dàng tìm được nhà đầu tư và sớm có những khách hàng trung thành tại thị trường mới.
DUY TRÌ SỰ TẬP TRUNG
Điều mà nhiều nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đã làm và Anil cũng từng làm là cố gắng mở rộng công ty ra càng nhiều thị trường càng tốt. Thế nhưng, điều này hoàn toàn sai. Một công ty sẽ chỉ mở rộng thành công nếu duy trì sự tập trung ở một số thị trường chiến lược, thay vì mở rộng ra hàng chục quốc gia. “Chúng tôi đã mở rộng ở 5 quốc gia có quy mô thị trường chiến lược nhất, theo đánh giá của chúng tôi. Điều đó có nghĩa, chúng tôi chọn mở rộng bằng cách đi từ sâu hơn sang rộng hơn thay vì ngược lại. Và chúng tôi thực sự nhìn thấy kết quả khi thay đổi quan điểm của mình”, Anil nhận định.
THÀNH CÔNG CHỈ ĐẠT ĐƯỢC KHI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÙNG CÓ NIỀM TIN
Anil cho rằng các doanh nhân muốn thực hiện những giấc mơ điên rồ nhất phải chia sẻ ý tưởng lớn đó với các cộng sự và đảm bảo họ đều tin tưởng vào giấc mơ đó bởi một điều kỳ diệu chỉ thành hiện thực khi có niềm tin của tất cả mọi người. Khi trở thành người lãnh đạo của một công ty, đó là sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại. Anil cho biết: “Nhìn lại, thật khó để tưởng tượng việc ngồi ở một góc nhỏ của thế giới và mơ ước rằng chúng tôi sẽ trở thành một công ty toàn cầu mà một ngày nào đó sẽ được niêm yết trên một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới đã khó khăn như thế nào”.
Trên hành trình phát triển công ty thành một doanh nghiệp toàn cầu, các nhà sáng lập cần không ngừng học hỏi từ những người đã đi trước, đã làm điều đó và thành công vì tư duy của họ là điều mà các nhà sáng lập cũng cần có.