CEO phải là “kiến trúc sư trưởng” trong hành trình chuyển đổi AI của doanh nghiệp
Trí tuệ nhân tạo đang bước vào giai đoạn ứng dụng chiến lược tại Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp thiết về vai trò dẫn dắt của các lãnh đạo C-level. Những tổ chức tận dụng AI hiệu quả đều có một đặc điểm chung là lãnh đạo cấp cao luôn làm gương trong việc ứng dụng AI…

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT, khẳng định “lãnh đạo cấp cao, chứ không phải kỹ sư công nghệ, là đối tượng cần học AI đầu tiên trong doanh nghiệp”.
LÃNH ĐẠO HỌC AI KHÔNG PHẢI ĐỂ THÀNH CHUYÊN GIA CÔNG NGHỆ
Thưa ông, trong công cuộc chuyển đổi AI, tại sao ông lại cho rằng lãnh đạo cấp cao, chứ không phải kỹ sư công nghệ, là đối tượng cần học AI đầu tiên?
Chúng ta thấy rằng ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng, hay DeepSeek - một nền tảng AI Trung Quốc, cán mốc 22 triệu người dùng chỉ sau 20 ngày. Điều đó nghĩa là gì? AI đang được “bình dân hóa”, việc sử dụng hiệu quả các công cụ AI có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai, cho dù họ có kiến thức về công nghệ hay không.
AI không còn nằm ở phạm vi công nghệ nữa mà đang len vào từng mắt xích vận hành và trở thành một phần trong chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp. Tình thế này đặt ra yêu cầu mới, đó là lãnh đạo không nhất thiết phải am hiểu sâu về thuật toán AI, nhưng chắc chắn phải nắm rõ AI có thể thay đổi cách tổ chức vận hành và tạo giá trị kinh doanh, mang lại sự chuyển dịch tích cực và lâu dài cho tổ chức.
Từ thực tế triển khai các chương trình tư vấn tư duy và ứng dụng “AI-First" cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận rõ sự khác biệt giữa các tổ chức. Những doanh nghiệp coi AI là một phần trong chiến lược thường xuất phát từ chính tư duy của ban lãnh đạo cấp cao. Với họ, AI không phải là công cụ kỹ thuật, mà là cơ hội để tái định hình vận hành, tạo lập những mô hình kinh doanh mới, linh hoạt hơn, chính xác hơn dựa trên dữ liệu. Ngược lại, một số doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào công nghệ nhưng kết quả hạn chế, bởi lãnh đạo vẫn chưa thay đổi tư duy vận hành theo góc nhìn AI.
Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của lãnh đạo khi học về AI không phải là để trở thành chuyên gia công nghệ, mà để nâng cấp năng lực điều hành của mình trong kỷ nguyên mới.
Vậy theo ông, vai trò then chốt của lãnh đạo nằm ở đâu trong chiến lược “AI-First”?
Vai trò của lãnh đạo trong hành trình AI không chỉ định hướng, mà còn là dẫn dắt. Lãnh đạo cấp cao cần là người tiên phong, truyền cảm hứng và xây dựng nền móng cho một cuộc cách mạng vận hành doanh nghiệp trong thời đại AI.

Thành công với AI không phải là cuộc đua công nghệ, mà là cuộc cách mạng về tư duy và văn hóa lãnh đạo
Theo tôi, lãnh đạo cần nắm rõ ba vai trò khi đưa AI vào tổ chức. Thứ nhất là tiên phong, nghĩa là lãnh đạo không chỉ nói về AI, mà phải học và thử sớm để mở đường cho các nhân sự cùng theo. Thứ hai là truyền cảm hứng, tạo ra sự tin tưởng và đồng thuận trong nội bộ – vì AI không thể phát huy nếu tổ chức không cùng hướng. Thứ ba là bảo đảm bền vững, từ đào tạo đến chính sách sử dụng các công cụ AI sẵn có hay đầu tư hạ tầng, giải pháp AI chuyên sâu riêng, tất cả phải có nền móng vững chắc để AI có thể phát triển.
Những tổ chức tận dụng AI hiệu quả đều có một đặc điểm chung là lãnh đạo cấp cao luôn làm gương trong việc ứng dụng AI. Họ không chỉ nói, mà trực tiếp sử dụng AI vào quá trình điều hành và ra quyết định hàng ngày, tạo lập một chuẩn mực mới về vận hành. Những tổ chức này coi AI là tiêu chuẩn bắt buộc, chủ động tích hợp sâu rộng vào từng mắt xích vận hành thay vì dừng ở các dự án thử nghiệm nhỏ lẻ. Đồng thời, lãnh đạo cũng tạo ra môi trường sử dụng AI thông minh hơn thông qua tái thiết kế quy trình, đơn giản hóa hệ thống và thúc đẩy thi đua nội bộ để AI trở thành công cụ gia tăng hiệu suất rõ rệt, thay vì là áp lực công nghệ.
Nói cách khác, thành công với AI không phải là cuộc đua công nghệ, mà là cuộc cách mạng về tư duy và văn hóa lãnh đạo. Chỉ khi lãnh đạo thực sự coi AI là lõi của chiến lược, là cách tư duy và vận hành mới, AI mới phát huy được tối đa giá trị và dẫn dắt doanh nghiệp vươn xa trong thời đại số.
Như ông nói, thành công với AI không phải là cuộc đua công nghệ,, mà là cuộc cách mạng về tư duy và văn hóa lãnh đạo. Vậy, làm thế nào để toàn tổ chức cùng thấm nhuần “tinh thần AI First”, đặc biệt trong các doanh nghiệp truyền thống?
Đào tạo và truyền thông nội bộ là 2 bước đầu tiên nhưng chắc chắn chưa đủ để toàn tổ chức cùng tin vào AI. Văn hóa AI chỉ thật sự hình thành khi mỗi cá nhân trực tiếp cảm nhận được giá trị mà AI mang lại trong công việc hàng ngày. Niềm tin sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi nhân viên thấy rõ AI giúp họ làm việc tốt hơn, ra quyết định chính xác hơn và thậm chí là được ghi nhận nhờ kết quả đó.
Kinh nghiệm từ các chương trình AI-First mà FPT Digital đã triển khai cho thấy, văn hóa AI hình thành qua một hành trình rất rõ nét: từ “biết” sang “tin”, rồi từ “tin” đến “chủ động lan tỏa”. Ban đầu, nhân viên biết AI như một công nghệ mới, rồi tin AI khi tự mình trải nghiệm những hiệu quả thực tế và cuối cùng họ sẽ chủ động giới thiệu, khuyến khích đồng nghiệp cùng ứng dụng khi thấy rõ giá trị bền vững.

Vai trò của lãnh đạo trong quá trình này là tạo điều kiện để trải nghiệm AI diễn ra sớm, đồng đều và có hệ thống. Để thực hiện được điều này, người lãnh đạo không chỉ định hướng, khuyến khích mà còn phải trao các công cụ như đào tạo sử dụng hiệu quả, chuẩn hóa cách sử dụng phù hợp theo từng bộ phận và thậm chí ra quyết định yêu cầu nhân sự phải sử dụng để lan tỏa việc sử dụng trong toàn tổ chức.
Khi mỗi nhân sự đều đã sử dụng AI thuần thục và nhận ra AI không phải là “mối đe dọa” mà là người trợ lý thông minh giúp họ trở nên xuất sắc hơn, hiệu quả hơn và được ghi nhận xứng đáng hơn, lúc đó AI thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp.
AI KHÔNG PHẢI LÀ CÂU CHUYỆN NGÂN SÁCH LỚN, CÔNG NGHỆ PHỨC TẠP. ĐÓ LÀ CÁCH TƯ DUY CHIẾN LƯỢC
Theo ông, có những rào cản lớn nhất nào mà các lãnh đạo C-level tại Việt Nam đang gặp phải khi tiếp cận AI?
Từ kinh nghiệm đồng hành cùng các lãnh đạo doanh nghiệp, tôi nhận thấy ba rào cản lớn nhất khiến việc triển khai AI chưa đạt được kỳ vọng.
Đầu tiên, lãnh đạo thiếu hiểu biết về giá trị thực tiễn của AI. Nhiều người rơi vào hai thái cực đối ngược, hoặc vẫn hoài nghi về khả năng ứng dụng của AI, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác cao, các quy trình vận hành truyền thống đã tồn tại lâu năm; hoặc có niềm tin tuyệt đối vào AI, cho rằng năng lực AI đã vượt xa và có thể thay thế hoàn toàn con người. Cả hai thái cực này đều khiến chiến lược đầu tư và tiếp cận AI thiếu hiệu quả do hiểu chưa chính xác về năng lực AI, dẫn đến khó tạo ra tác động thực sự.
Thứ hai, tâm lý ngại thay đổi. Áp dụng AI không đơn thuần là thay đổi công nghệ, mà kéo theo việc tái định hình toàn bộ hệ thống quản trị, vận hành và đánh giá hiệu quả. Với nhiều tổ chức đã quen thuộc với mô hình vận hành truyền thống, việc chuyển đổi sang vận hành dựa trên AI dễ gặp sự chần chừ và trì hoãn ngay từ cấp lãnh đạo.
Cuối cùng, hạn chế trong tài sản dữ liệu doanh nghiệp. Về bản chất, năng lực của AI dựa vào 2 yếu tố: năng lực của mô hình AI và cơ sở dữ liệu. Dữ liệu của nhiều doanh nghiệp đang phân tán khắp các phòng ban, riêng lẻ, thậm chí sai lệch. Khi không có một nền tảng dữ liệu thống nhất và được chuẩn hóa, AI dù mạnh đến đâu cũng không thể phát huy.
Kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn cho thấy AI không phải là câu chuyện về ngân sách lớn hay công nghệ phức tạp - mà là câu chuyện về cách tư duy chiến lược, cách doanh nghiệp lựa chọn điểm bắt đầu đúng đắn, triển khai thử nghiệm nhanh và điều chỉnh kịp thời.
Cả 3 thách thức trên đều có thể được giải quyết, bắt đầu bằng việc tư duy đúng, hiểu đúng, có kiến thức đúng của những người đứng đầu doanh nghiệp. Một khảo sát năm 2024 từ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy 74% doanh nghiệp toàn cầu gặp khó khăn trong việc mở rộng ứng dụng AI, rào cản lớn nhất chính là thiếu năng lực lãnh đạo và nguồn lực có hiểu biết đúng đắn để định hướng triển khai hiệu quả.
Câu chuyện ứng dụng AI trong doanh nghiệp cũng giống câu chuyện áp dụng chuyển đổi số cách đây 3-5 năm. Việc bắt đầu chuyển đổi không hề dễ dàng nhưng hoàn toàn thực hiện được với chìa khóa để vượt qua những rào cản này không nằm ở công nghệ, mà nằm ở tư duy và sự cam kết của lãnh đạo cấp cao. Khi lãnh đạo chủ động tiếp cận AI bằng tư duy chiến lược, thay đổi cách nghĩ về vận hành và chủ động dẫn dắt tổ chức, lúc ấy AI mới thật sự trở thành động lực thay đổi toàn diện và bền vững.
Trong hành trình chuyển đổi AI này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể học gì từ các tập đoàn lớn?
Điểm chung của các doanh nghiệp triển khai thành công AI dù lớn hay nhỏ là khả năng xác định rõ ràng những bài toán cụ thể, có giá trị cao, và triển khai một cách có hệ thống, đo lường được hiệu quả thực tế từ sớm. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần học hỏi: Cần bắt đầu đúng, triển khai có chọn lọc và nhân rộng một cách thông minh.
Kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn cho thấy AI không phải là câu chuyện về ngân sách lớn hay công nghệ phức tạp, mà là câu chuyện về cách tư duy chiến lược, cách doanh nghiệp lựa chọn điểm bắt đầu đúng đắn, triển khai thử nghiệm nhanh và điều chỉnh kịp thời. AI là hành trình dài hạn chứ không phải một cú nhảy vọt, nhưng nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa có lộ trình rõ ràng ngay từ đầu thì lợi thế cạnh tranh sẽ nhanh chóng đến, dù doanh nghiệp không sở hữu nguồn lực khổng lồ.
Chốt lại, ông có thông điệp gì dành cho các doanh nghiệp Việt khi triển khai AI?
AI đang tái định hình mô hình doanh nghiệp và CEO chính là kiến trúc sư trưởng của hành trình chuyển đổi đó. Công nghệ ngày càng bình đẳng, chiến thắng không thuộc về ai sở hữu nhiều công cụ hơn, mà thuộc về những tổ chức biết đặt AI vào đúng vị trí trong chiến lược, từ tư duy, hành động đến văn hóa tổ chức.