Chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu?

NHẬT DƯƠNG
Chia sẻ

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội.

Tiêu thụ năng lượng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế

Nhìn nhận nguyên nhân của ô nhiễm không khí dưới góc độ kinh tế, PGS TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều này trước hết là xuất phát từ chính cấu trúc của mô hình tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong khoảng một thời gian dài từ 6,5 – 7%. Tuy nhiên nếu nhìn vào cấu trúc nền kinh tế thì thấy rằng có 2 đặc trưng rất rõ, đó là nền kinh tế thâm dụng tài nguyên và phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Phân tích rõ hơn về vấn đề tài nguyên, ông Trường cho rằng, thực tế việc sử dụng tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế không có gì là xấu khi nó đóng góp 15% trong tổng GDP và 20 – 25% thu ngân sách Nhà nước, thậm chí rất nhiều quốc gia còn sử dụng làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

"Tuy nhiên, việc chúng ta bám vào nhân tố tăng trưởng này trong một khoảng thời gian dài, đôi khi coi là cứu cánh thì lại là một sự không bền vững", ông Trường nhận định.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Đại học Kinh tế quốc dân do TS PGS TS Đinh Đức Trường thay mặt trình bày tại tọa đàm, tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là trong giai đoạn 2006 – 2014, tốc độ tiêu thụ năng lượng mỗi năm tăng từ 12 – 13%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ 6,5%.

Tính trong giai đoạn 2006 - 2015, cường độ tiêu thụ năng lượng tăng tới 200%. Đặc biệt, lượng CO2 phát thải năm 2010 đã tăng tới 8 lần so với năm 1980, ước tính năm 2020 tăng gấp đôi so với 2010 và dự kiến năm 2030 sẽ tăng lên gấp 4 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, lượng nước thải cũng được ước tính tăng tới 15% mỗi năm, tương đương với 1 triệu m3 mỗi ngày đêm.

"Nếu nhìn vào cấu trúc sử dụng năng lượng của Việt Nam, năng lượng liên quan đến nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 93 – 95% trong tổng năng lượng sử dụng và gần như không có sự thay đổi nhiều theo thời gian. Một điểm nguy hiểm hơn cả là tiêu thụ than cũng càng ngày càng tăng lên, kéo theo vấn đề ô nhiễm không khí sẽ khó được cải thiện. Có lẽ trước mắt và tương lai bức tranh này chưa có gì sáng sủa cả", ông Trường bày tỏ lo ngại.

Chất lượng môi trường không khí đang tụt hậu

Nhìn nhận dưới tác động từ khu vực FDI, theo ông Trường dù không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực này cho tăng trưởng GDP, xuất khẩu và tạo việc làm, song tăng trưởng FDI cũng gắn liền với việc chuyển dịch ô nhiễm từ quốc gia công nghiệp đã phát triển sang quốc gia chậm phát triển. 

Trong khi, với Việt Nam hiện đang có hệ thống tiêu chuẩn giám sát môi trường thấp và lỏng lẻo, chi phí môi trường của các doanh nghiệp nhỏ hơn ở các quốc gia phát triển có thể là một phần lý do khiến doanh nghiệp FDI lợi dụng điều này trong việc dịch chuyển dòng đầu tư sang Việt Nam để tiết kiệm chi phí.

Đề cập đến thiệt hại của ô nhiễm không khí, ông Trường cho rằng, những ảnh hưởng trực tiếp có thể dễ nhìn và đo đếm ngay được, song đây chỉ là một phần nhỏ trong tảng băng vô hình của thiệt hại gián tiếp. Ở góc độ vĩ mô, ô nhiễm không khí có thể khiến giá trị của nền kinh tế giảm đi tùy thuộc vào mức độ.

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu đưa ra, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ước từ 10,82 -13,63 tỷ USD, tương đương từ 4,45-5,64% GDP.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra cái chết cho 4,2 triệu người vào năm 2016. Và ở Trung Quốc, đây là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại khoảng 38 tỷ USD mỗi năm.

Còn theo Báo cáo Chỉ số năng lực môi trường 2018 (EPI), Việt Nam xếp thứ 132/180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159, cường độ phát thải xếp hạng 141, sức khỏe môi trường đứng thứ 129.

"Nếu so sánh với chính chúng ta thì chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu còn so sánh với thế giới thì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí", ông Trường cho biết.

Trước những thực tế trên, ông Trường đưa ra nhiều khuyến nghị về các giải pháp tài chính để giảm ô nhiễm không khí, bao gồm thuế carbon, phí ô nhiễm không khí, trái phiếu môi trường. Cùng với đó là thúc đẩy hoạt động hợp tác công – tư (PPP) nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ rõ hoạt động giao thông là nguồn phát thải chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Do vậy, nguồn tài chính cho mục đích này cần được phân bổ hợp lý cho giám sát và xử phạt vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con