ChatGPT có thực sự là một trong những cột mốc quan trọng nhất của ngành công nghệ kỹ thuật số?
Nhà đồng sáng lập của một trong những công ty công nghệ thành công nhất mọi thời đại–Microsoft, Bill Gates cho biết cả đời ông đã chứng kiến rất nhiều đổi mới và theo đánh giá của ông, ngành công nghệ kỹ thuật số đã trải qua 4 cột mốc chính…
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Forbes, Gates tỏ ra khá hào hứng với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo AI do OpenAI phát triển: “Những tiến bộ của AI trong 12 tháng qua là một trong bốn cột mốc quan trọng nhất của lịch sử công nghệ kỹ thuật số bên cạnh Internet, PC và GUI”.
GUI là viết tắt của cụm từ Graphical User Interface, tạm dịch là giao diện đồ họa người dùng. Đây là thuật ngữ ám chỉ cách giao tiếp của người dùng với các thiết bị máy tính thông qua thao tác với chữ viết hay hình ảnh, thay vì sử dụng các câu lệnh phức tạp. Bill Gates đang nói chung về AI, nhưng một trong những công cụ AI nóng nhất hiện là sản phẩm của Open AI có tên là ChatGPT. ZDNET định nghĩa ChatGPT là “một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên được điều khiển bởi công nghệ AI cho khả năng trò chuyện giống con người. Công cụ này có thể trả lời các câu hỏi và hỗ trợ bạn thực hiện các tác vụ như soạn email, viết luận và viết mã”.
Phần “GPT” trong tên gọi của sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Open AI là viết tắt của Generative Pre-training transformer, với ý nghĩa chương trình được đào tạo để tìm hiểu tất cả các loại thông tin bằng cách sử dụng cả kỹ thuật học máy có giám sát và học tăng cường. Với học máy có giám sát, máy tính được cung cấp nhiều bộ dữ liệu khác nhau sau đó sẽ tự động phân loại các thông tin đó. Trong khi đó, học tăng cường đào tạo các mô hình học máy để đưa ra một chuỗi các quyết định.
Hiện nay, với những lợi ích mà ChatGPT đang mang lại cho người dùng, những người ủng hộ công cụ này như Bill Gates cho rằng tiềm năng của chatbot này là không giới hạn. Hiện nay, ChatGPT có thể đưa ra lời khuyên cho những người không có cơ hội gặp bác sĩ hoặc dạy kèm cho những sinh viên cần nâng cao trình độ học vấn hay hỗ trợ bất kỳ ai cần thực hiện nghiên cứu.
CHATGPT CÒN TIỀM ẨN MỘT VÀI RỦI RO
Các nhà lãnh đạo của OpenAI chắc chắn chỉ muốn công nghệ của họ được sử dụng để mang lại lợi ích cho xã hội và ChatGPT cũng nói như vậy ngay trong điều khoản sử dụng của nó. Thế nhưng, những kẻ xấu đang chế giễu mục tiêu này.
Lợi dụng ChatGPT, một số người đã tạo mã và nội dung độc hại để thực hiện các cuộc tấn công mạng. Một trong những tính năng của ChatGPT là khả năng viết rất tốt thậm chí tốt hơn cả người thật, lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo đã tạo các tin nhắn văn bản đầy thuyết phục để thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo, để cung cấp thông tin đăng nhập hoặc thông tin tài khoản cho một ứng dụng nào đó.
Các nhà nghiên cứu bảo mật cũng đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy những kẻ xấu trên mạng đang sử dụng ChatGPT để viết mã mã hóa và giải mã thông tin trong các cuộc tấn công ransomware. Công cụ này cũng có thể viết mã chẳng hạn như phần mềm gián điệp, trình ghi lại thao tác gõ phím và vi-rút phát tán phần mềm độc hại. Hơn nữa, ChatGPT phát triển mã phần mềm hiệu quả đến mức hạ thấp rào cản đối với những người muốn tham gia vào “công việc kinh doanh” của tội phạm mạng.
CHATGPT CŨNG LÀ MỘT CÔNG CỤ ĐỂ TĂNG CƯỜNG AN NINH MẠNG
Nếu ChatGPT có thể được sử dụng cho mục đích xấu, thì nó cũng có thể được sử dụng để tăng cường an ninh mạng.
OpenAI cung cấp giao diện lập trình ứng dụng (API) để ChatGPT có thể dễ dàng trao đổi thông tin với các ứng dụng khác. Do đó, ngành an ninh mạng đang tận dụng ChatGPT để phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa đối với mạng doanh nghiệp. Các nhà cung cấp bảo mật đã khám phá cách hướng dẫn ChatGPT phát hiện những rủi ro để công cụ này thu thập thông tin liên quan, phân tích dữ liệu và cấu hình hệ thống,...nhằm giảm thiểu mối đe dọa.
Nếu ChatGPT có thể tạo ra các thông báo lừa đảo thuyết phục, thì những thông báo tương tự đó có thể được sử dụng để đào tạo nâng cao nhận thức về bảo mật. Nhân viên có thể được kiểm tra để xem mức độ nhạy bén của họ trong việc nhận biết và ứng phó với mối đe dọa lừa đảo, giúp tổ chức đánh giá mức độ chuẩn bị của mình trước một cuộc tấn công. Hơn nữa, đội ngũ bảo mật có thể kiểm tra thâm nhập bằng cách tạo ra các cuộc tấn công thực tế để kiểm tra tình hình bảo mật của công ty.
Ngoài ra, ChatGPT được đánh giá có thể sử dụng để thu thập và phân tích thông tin về mối đe dọa từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả dark web. Những thông tin nhạy cảm như vậy có thể cung cấp cho các công cụ an ninh mạng được tạo bởi ChatGPT để giúp chúng trở nên hiệu quả hơn trong việc phát hiện các mối đe dọa.
ChatGPT vẫn còn sơ khai. Mặc dù vậy, Bill Gates đã đúng khi nói rằng những tiến bộ của AI là một cột mốc quan trọng trong lịch sử điện toán. Dù được sử dụng trong mục đích tốt hay xấu thì ChatGPT cũng đã thỏa mãn mọi nhu cầu của người dùng khi tìm đến nó.