“Chạy việc”, tiền mất tật mang
Với mong muốn có vị trí công tác trong các cơ quan nhà nước, nhiều người không ngần ngại nghe theo lời các đối tượng mà bỏ tiền tỷ để “chạy việc”...
TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử đối với Lê Minh Hương (SN 1963, ở quận Ba Đình) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, thông qua quan hệ xã hội, năm 2013, ông Lê Đình H. (SN 1960, ở quận Hà Đông) có quen biết Hương và Hương giới thiệu có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc vào các ngành hàng không, giáo dục, y tế trên địa bàn Hà Nội. Tin tưởng nên ông H. nhờ Hương xin việc cho 3 người quen và con trai, con dâu ông H.
Cụ thể, ông H. đặt vấn đề nhờ Hương xin cho một trường hợp là người quen vào làm việc tại Bệnh viện Huyết học và truyền máu trung ương. Hương đồng ý với chi phí thỏa thuận là 450 triệu đồng.
Cùng trong thời gian này, ông H. tiếp tục cầm các hồ sơ khác nhờ Hương để nhờ chạy việc làm giáo viên, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội. Có trường hợp khác xin chạy việc tại bộ phận an ninh hàng không của sân bay quốc tế Nội Bài. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Hương cam kết “sẽ lo xong việc”, nếu không lo được việc sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền trong 10 ngày.
Trên thực tế, Hương không thực hiện theo cam kết. Quá thời hạn thanh toán, ông H phải tự bỏ tiền túi để trả cho người quen. Ông H. yêu cầu Hương phải hoàn trả cho ông số tiền 2 tỷ đồng đồng thời phải trả ông 3,5 tỷ đồng là tiền Hương vay ông.
Quá trình điều tra, Hương thừa nhận đã chiếm đoạt của ông H. 2 tỷ đồng để xin việc cho 5 trường hợp. Còn giấy biên nhận vay số tiền 3,5 tỷ đồng chỉ là để “làm tin” cho việc Hương cầm 2 tỷ đồng chạy việc.
Đối chất lời khai trên, ông H. trình bày có việc vay tiền và viết giấy biên nhận nhưng đến nay ông đã làm thất lạc giấy gốc và chỉ còn bản phô tô, không liên quan đến vấn đề xin việc. Cơ quan điều tra xác định đây là quan hệ dân sự nên không đề cập xử lý.
Ngoài hành vi trên, Hương còn chiếm đoạt tiền của bà Trần Thị Vân T. (SN 1959, ở quận Hoàng Mai). Bà T. nhờ xin việc cho người thân vào làm việc tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Hương nói chỉ có thể xin vào làm tại bộ phận kiểm soát không lưu của Cục hàng không Việt Nam với chi phí 500 triệu đồng, đặt cọc trước 250 triệu đồng.
Sau khi cầm tiền, Hương hứa hẹn sau 3 tháng sẽ xin được việc. Nhưng người thân bà H. vẫn mong muốn làm tiếp viên hàng không nên Hương đã liên hệ với Nguyễn Thanh Tùng để lo việc.
Sau đó Tùng có đưa cho người này giấy báo nhập học của Học viện Hàng không Việt Nam và sắp xếp để họ học lớp chứng chỉ tiếp viên hàng không. Đến tháng 10/2016, Hương yêu cầu người thân của bà T. chuẩn bị hồ sơ để thi tuyển vào làm tiếp viên hàng không. Tuy nhiên người này không trúng tuyển. Tùng và Hương cầm tiền song cũng không trả lại bà T.
Ngoài trường hợp trên, bà T. còn nhờ Hương xin việc cho cháu gái vào làm việc tại Nhà khách Chính phủ với chi phí 150 triệu đồng.
Viện kiểm sát xác định, Hương đã chiếm đoạt số tiền hơn 2,6 tỷ đồng của 6 bị hại còn Tùng chiếm đoạt 300 triệu đồng.
Sau khi xem xét, tòa án xử phạt Hương mức án 14 năm tù, Tùng 7 năm tù. Cộng bản án cũ, Tùng phải chấp hành mức án 20 năm tù.
Thực tế, việc giao dịch giữa các bên thường có giấy biên nhận vay nợ nhưng hành vi nhận tiền để chạy việc không được pháp luật cho phép. Theo đó, đây là giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và bị vô hiệu. Để giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là bên nhận tiền phải hoàn trả đầy đủ tiền.
Qua thực tiễn tố tụng cho thấy, các đối tượng thường không có khả năng trả lại tiền hoặc cố tình chiếm đoạt tiền. Theo quy định hiện hành, hành vi nhận tiền chạy việc, không có ý định trả tiền và bỏ trốn thì đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự một trong hai tội: Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Trong trường hợp người chạy việc ngay từ đầu biết rằng mình có khả năng chạy việc và thực hiện hành vi để chạy việc như làm thủ tục, hồ sơ, lợi dụng các mối quan hệ, đưa tiền chạy việc và không xin được việc nhưng không trả lại tiền thì cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Với trường hợp, người này biết rõ là mình không có khả năng chạy việc nhưng vẫn đề nghị bị hại đưa tiền chạy việc thì đó là hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.