Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Áp lực lên ngành chăn nuôi lợn Việt Nam
Thịt lợn trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời điểm hiện tại, giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở miền Bắc đang được thu mua trong khoảng 50.000 đồng đến 55.500 đồng/kg. So với năm 2017, giá lợn hơi ở thời điểm này đã tăng gấp đôi.
Cụ thể, tại Hà Nam, thủ phủ nuôi lợn miền Bắc, giá lợn hơi dao động xung quanh mức 50.000 - 51.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại một số tỉnh như Thái Nguyên và Nam Định 51.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi từ 47.000 - 50.000 đồng/kg.
Các địa phương khác, giá lợn hơi duy trì ổn định, với các tỉnh trọng điểm như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau ... vẫn đạt mức 50.000 - 51.000 đồng/kg; Tiền Giang đạt 52.000 đồng/kg.
Giá lợn bắt đầu tăng từ tháng 4 và giữ ở mức cao trong 2 tháng gần đây đã khiến các hoạt động tái đàn, quay trở lại nuôi diễn ra khởi sắc hơn trên khắp cả nước.
Bộ Nông nghiệp dự báo, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao trong một vài tháng tới. Tuy nhiên, thịt lợn trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến ngành thịt lợn Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Bên cạnh đó, giá thịt lợn tiếp tục giữ ở mức cao sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và giảm sức cạnh tranh của thịt lợn nội địa, nhất là trong bối cảnh thịt lợn ngoại nhập khẩu với giá rẻ hơn có xu hướng tăng.
Do đó, Bộ Nông nghiệp khuyến cáo, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu.
Ước tính đến tháng 8, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 0,2% so với cùng thời điểm năm 2017.