Chính sách thuế quan "khó lường" của Tổng thống Trump làm chao đảo đầu tư mạo hiểm, phủ bóng đen lên thị trường IPO
Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm lo ngại các chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm chậm dòng vốn đầu tư vào công nghệ, làm suy yếu thêm thị trường IPO vốn đã èo uột, thậm chí đẩy một số startup công nghệ vào nguy cơ phá sản...

Vào đầu năm nay, Tom Drummond, đối tác quản lý tại Heavybit, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco, đã cảm thấy lo lắng về tình hình chính trị bất ổn tại Mỹ và tác động đến thị trường vốn, nhưng giờ đây ông thẳng thắn thừa nhận: “Không ai biết chuyện gì đang xảy ra cả”.
Ông Drummond đang đề cập đến các chính sách thuế quan “có đi có lại” của Tổng thống Donald Trump, được công bố vào ngày 2/4/2025, khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Ông Trump đã tạm hoãn áp thuế nhập khẩu đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, nhưng vẫn giữ mức thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra khi thời gian hoãn kết thúc vào đầu tháng 7/2025 vẫn là một dấu hỏi lớn. “Khả năng các loại thuế này bị hủy bỏ cũng lớn ngang với việc ông Trump kiên quyết áp dụng chúng”, ông Drummond nhận định.
ĐẦU TƯ MẠO HIỂM VÀO PHẦN CỨNG, CÔNG NGHỆ CHỊU NHIỀU TÁC ĐỘNG
Theo trang Wired, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm tại các công ty quy mô nhỏ và vừa cho biết họ lo ngại các chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm chậm dòng vốn đầu tư vào công nghệ, làm suy yếu thêm thị trường IPO vốn đã èo uột, thậm chí đẩy một số startup công nghệ vào nguy cơ phá sản. Một số nhà đầu tư cho biết họ đang kéo dài chu kỳ đầu tư và dự định bán cổ phần trong các công ty tư nhân cho các nhà quản lý tài sản khác. Những người khác thì tạm ngừng đầu tư vào các công ty phần cứng, vốn có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan.
Theo ông Drummond, mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến một công ty đầu tư mạo hiểm phụ thuộc vào việc danh mục đầu tư của họ chịu tác động trực tiếp từ thương mại toàn cầu (hiệu ứng bậc một) hay chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc giảm chi tiêu của khách hàng nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái (hiệu ứng bậc hai).
“Nếu danh mục đầu tư tập trung vào các ngành phụ thuộc lớn vào thương mại xuyên biên giới, như phần cứng, công nghệ sạch, hay thậm chí là công nghệ sinh học, thì sẽ ở trong tình thế rất khó khăn”, ông nói. Một trong những công ty trong danh mục của Drummond là một nền tảng Internet-of-Things (IoT), hiện đang xem xét lại chiến lược quản lý hàng tồn kho, tìm cách đặt hàng từ các nhà cung cấp và cân nhắc chuyển sang các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc, như ở Việt Nam.
M.G. Siegler, một nhà đầu tư độc lập và cựu đối tác tại GV Management Company, cho rằng nếu thuế quan tiếp tục được duy trì, các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ “càng tránh xa các startup phần cứng. Một số quỹ đầu tư đã né tránh phần cứng từ lâu vì những lý do khác. “Phần cứng vốn đã khó và rủi ro hơn phần mềm, nhưng giờ đây, rủi ro đó đã tăng lên gấp bội”.
Chip Hazard, đối tác chung và đồng sáng lập Flybridge Capital tại Boston, gần đây đã gửi email tới hơn 400 nhà sáng lập startup, kêu gọi họ không hoảng loạn nhưng cũng cảnh báo rằng thị trường vốn đang “rối loạn” và các nhà đầu tư tổ chức có thể “đóng băng”, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn. Chuyên gia Hazard khuyến khích các nhà sáng lập startup đánh giá rủi ro và cơ hội mà thuế quan có thể tạo ra, đồng thời xem xét lại chiến lược tài chính của mình.
Charles Hudson, đối tác quản lý tại Precursor, cho biết công ty của ông có cổ phần trong một số startup thương mại điện tử có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của Trump. Tuy nhiên, ông thừa nhận không biết cách xây dựng chiến lược đối phó vì “lý do, thời điểm, quy mô và phạm vi của các loại thuế này dường như chỉ nằm trong đầu Tổng thống, và chúng không được thảo luận theo quy trình chính sách thông thường để mang lại sự rõ ràng”.
Precursor, chuyên đầu tư vào các startup giai đoạn đầu, vừa huy động hơn 65 triệu USD cho quỹ thứ năm của mình. Ông Hudson tiết lộ ông dự định thực hiện các khoản đầu tư trong ba năm thay vì hai năm như thông lệ, hy vọng thời gian dài hơn sẽ giúp các đối tác hữu hạn thấy được lợi nhuận.
Hudson cũng dự đoán rằng việc bán cổ phần startup trên thị trường thứ cấp sẽ chiếm phần lớn thanh khoản mà các nhà đầu tư nhận được trong 5 năm tới, thay vì lợi nhuận từ mua bán sáp nhập hay IPO.
Các nhà đầu tư mạo hiểm khác đồng tình rằng thị trường thứ cấp có thể sẽ sôi động hơn. “Trước đây, các nhà đầu tư mạo hiểm thường kiên nhẫn nắm giữ cổ phần, chờ đợi startup IPO”, ông Drummond nói. “Nhưng trong 10 năm qua, họ đã phải trở nên kỷ luật hơn trong việc bán ra và tìm cách tạo thanh khoản sớm hơn”. Điều này đã đúng trong bối cảnh lãi suất tăng và các nhà đầu tư mạo hiểm thận trọng hơn, nhưng giờ đây “đặc biệt đúng”, ông nhấn mạnh.
TIN XẤU CHO IPO
Các nhà phân tích từ PitchBook, một cơ sở dữ liệu về thị trường đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân, cảnh báo rằng thuế quan có thể làm nguội dòng vốn đầu tư quốc tế, lưu ý rằng các startup từng được ca ngợi vì chiến lược “toàn cầu hóa” giờ đây có thể bị xem là dễ tổn thương.
“Trong nhiều thập kỷ, đầu tư mạo hiểm đã phát triển mạnh trong một thế giới ngày càng không biên giới, nhưng chiến tranh thuế quan đang khiến mọi thứ phải được đánh giá lại”, PitchBook chia sẻ.
Trước khi ông Trump nhậm chức, các nhà đầu tư đã hy vọng thị trường IPO công nghệ sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay sau khi rơi vào suy thoái năm 2022. Thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2024, với 176 IPO tại Mỹ, so với 127 vào năm 2023 và 90 vào năm 2022, theo dữ liệu từ công ty tư vấn EY.
Tuy nhiên, một báo cáo từ KPMG hồi đầu tháng này lưu ý rằng “những bất ổn thị trường kéo dài” đã khiến nhiều startup hoãn IPO trong quý này. Các công ty như dịch vụ ngân hàng di động Chime, gã khổng lồ bán vé StubHub, và công ty “mua trước, trả sau” Klarna của Thụy Điển đều tạm dừng kế hoạch ra mắt công chúng. CoreWeave, một công ty cơ sở hạ tầng AI, là ngoại lệ khi bắt đầu giao dịch cổ phiếu vào cuối tháng 3.
LẠC QUAN GIỮA BẤT ỔN
Dù chính sách thương mại Mỹ khó lường và thị trường biến động, một số nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn thấy lý do để lạc quan. Các ngành như AI, công nghệ quốc phòng và an ninh có thể là điểm sáng cho đầu tư. “Những lĩnh vực như công nghệ quốc phòng có thể là ‘cược an toàn’ vì các startup này vốn đã cố gắng tránh chuỗi cung ứng Trung Quốc vì những lý do rõ ràng”, ông Siegler nhận định.
Chuyên gia Hazard, người đã cảnh báo về tác động của thuế quan trong email gửi các nhà sáng lập, và công ty của ông đang quản lý 1 tỷ USD tài sản, cho biết ông vẫn đặc biệt tự tin vào xu hướng dài hạn của AI. “Nếu chúng ta đang bước vào một giai đoạn kinh tế bất ổn và các công ty AI của chúng tôi tập trung vào việc giúp khách hàng linh hoạt hơn và tạo ra nhiều doanh thu hơn, thì đó là giá trị lớn”, ông Hazard cho biết.
Các công ty Mỹ tiếp tục nhận phần lớn đầu tư toàn cầu vào AI, theo KPMG. Chỉ riêng OpenAI và Anthropic đã công bố các khoản đầu tư trị giá hơn 43 tỷ USD trong quý này. Tuy nhiên, những vòng gọi vốn khổng lồ này là ngoại lệ và có thể nằm ngoài tầm với của các nhà đầu tư quy mô nhỏ và vừa. Một thị trường AI bùng nổ, với nhiều startup chưa chứng minh được con đường sinh lời, có thể không đủ để bù đắp cho sự biến động của thời đại địa chính trị mới này.