Chính thức triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5
"Chiến dịch Con rồng Mekong" (OMD) do Việt Nam và Trung Quốc đồng khởi xướng từ năm 2018 đạt được những thành công lớn trong kiểm soát chống buôn lậu động vật, thực vật hoang dã, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Thời gian triển khai chiến dịch OMD5 sẽ diễn ra từ ngày 15/4/2023 đến 16/11/2023, với sự tham gia thêm của một số quốc gia châu Phi...
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Hội nghị khởi động "Chiến dịch Con rồng Mê Kông 5" vừa diễn ra từ ngày 11 – 13/4 tại Thượng Hải, Trung Quốc với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan hải quan, cảnh sát của nước và vùng lãnh thổ thành viên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng liên lạc tình báo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP), Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Ban Kiểm soát môi trường Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), các tổ chức quốc tế Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), Quỹ phúc lợi động vật quốc tế (IFAW)…
Trong 3 ngày hội nghị diễn ra, các đại biểu cùng nhau đánh giá laị kết quả đã đạt được trong chuỗi thực hiện từ OMD 1- OMD 4 và cùng thống nhất các phương hướng triển khai "Con rồng OMD 5" trong năm 2023.
CHIẾN DỊCH HIỆU QUẢ NGĂN CHẶN TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông Vũ Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam), khẳng định "Chiến dịch Con rồng Mekong" đạt được những thành công lớn với sự tham gia của ngày càng nhiều thành viên, gây dựng được tiếng vang và thương hiệu nhất định về kiểm soát chống buôn lậu trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước (CITES), ma túy và tội phạm xuyên quốc gia.
Đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan hải quan thành viên cũng như các cơ quan thực thi pháp luật cùng nhau hành động để nâng cao hiệu quả bắt giữ triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm.
"Chiến dịch Con rồng Mê Kông" tạo một cơ chế hợp tác thiết thực trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong đấu tranh phòng chống ma tuý và động thực vật hoang dã bảo vệ an ninh an toàn cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Bà Jenna Dawson Faber, điều phối viên khu vực chương trình môi trường của UNODC, đánh giá Chiến dịch Rồng Mekong là một chiến dịch có tính biểu tượng và đã có một chặng đường dài hợp tác giữa các cơ quan hải quan cũng như các cơ quan thực thi pháp luật nhằm cùng chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và các loài được thuộc Danh mục CITES.
“Buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, gỗ, cũng như ma túy bất hợp pháp và tiền chất của chúng là một vấn đề toàn cầu lớn và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức, thúc đẩy bạo lực; đồng thời, đe dọa môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, điều rất cần thiết là chúng ta phải cùng nhau hợp tác để chống lại những loại tội phạm này”, bà Jenna Dawson Faber nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện UNODC, "Chiến dịch Rồng Mekong" là một tấm gương sáng về sự hợp tác và hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, chiến dịch này đạt được tiến bộ đáng kể trong việc triệt phá nhiều hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loại ma túy bất hợp pháp và các loài động thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES.
SỐ VỤ BỊ BẮT GIỮ NGÀY CÀNG GIA TĂNG
Cũng tại hội nghị, ông Cheon Jeong Park, Chánh Văn phòng RILO AP, cho biết số lượng thành viên tham gia OMD 4 năm ngoái là lớn nhất từ trước tới nay, bao gồm 29 thành viên. "Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 4" thực hiện năm 2022 cũng có số vụ bắt giữ được báo cáo lớn nhất từ năm 2020 đến nay của WCO.
Chiến dịch có sự tham gia của 29 cơ quan thực thi pháp luật khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn hành động, đã ghi nhận bắt giữ 1.362 vụ việc, trong đó có 1.267 vụ về ma túy, 17 vụ về tiền chất và 78 vụ bắt giữ động vật hoang dã và buôn bán gỗ
Sự tham gia nhiều hơn của các thành viên trong khu vực AP cho thấy buôn bán ma túy và động vật hoang dã là một trong những mối quan tâm chính của các thành viên.
Đặc biệt, trong hơn hai năm xảy ra đại dịch, qua quan sát thấy rằng thị trường ma túy và quy mô buôn bán ma túy không hề giảm.
Ngoài ra, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thủ đoạn buôn lậu các loài có nguy cơ tuyệt chủng và ngày nay vấn đề môi trường toàn cầu được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu cần được xử lý. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan hải quan phải tích cực đấu tranh với hành vi buôn bán xuyên biên giới các loài có nguy cơ tuyệt chủng vì sự bền vững môi trường.
Ông Wanghe, Phó Cục trưởng chống buôn lậu Hải quan Trung Quốc, nhấn mạnh nhờ những nỗ lực chung của các bên tham gia trong chiến dịch số lượng thành viên tham gia và số vụ bắt giữ trong hoạt động đã đạt mức cao mới và danh tiếng quốc tế của nó cũng ngày càng mở rộng.
"Chiến dịch Con Rồng Mekong" là một dự án hàng đầu về hợp tác thực thi hải quan khu vực do tất cả các bên cùng thực hiện. Chiến dịch đóng góp vào việc duy trì an ninh khu vực và đã được các thành viên hải quan khu vực công nhận cao. Những thách thức của tội phạm ma tuý và môi trường không thể được giải quyết hiệu quả chỉ bằng sức mạnh của một quốc gia hoặc khu vực đơn lẻ hoặc năng lực của một cơ quan thực thi pháp luật.
Do đó, “hợp tác thực thi pháp luật quốc tế và hợp tác giữa các cơ quan là cần thiết. Chúng ta nên tăng cường hợp tác thực thi pháp luật giữa các cơ quan hải quan, cảnh sát, kiểm soát ma túy, các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của các quốc gia từ xuất xứ, quá cảnh và điểm đến”, ông Wanghe nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Hải quan Việt Nam, ông Vũ Quang Toàn và Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu - Hải quan Trung Quốc, Vương Hoà có phiên làm việc song phương nhằm thống nhất các nội dung trọng tâm trong hợp tác chống buôn lậu của hải quan hai nước trên cơ sở định hướng được đề cập trong tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022.
"Chiến dịch Con rồng Mê Kông" do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018 và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất lớn từ Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng như sự đồng thuận tham gia của cơ quan hải quan 6 nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
Đến giai đoạn 4 đã có sự tham gia của 29 cơ quan thực thi pháp luật ở khu vực và giai đoạn 5 mở rộng thêm sự tham gia của một số quốc gia châu Phi.