Chống dịch Covid-19, Vĩnh Phúc yêu cầu doanh nghiệp ngừng luân chuyển lao động
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc yêu cầu các doanh nghiệp ngừng luân chuyển lao động từ vùng dịch về Vĩnh Phúc và tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp …
Phiên họp khẩn bàn các biện pháp cấp thiết phòng chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và điều hành của Chủ tịch UBND Lê Duy Thành, đã diễn ra chiều ngày 21/5 với sự tham gia của 326 doanh nghiệp ở các đầu cầu trực tuyến. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh mà các nguy cơ từ ổ dịch bùng phát mạnh tại các khu công nghiệp ở một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh.
Vì vậy, mở đầu cuộc họp, người đứng đầu chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh hai việc lớn cùng phải giải quyết của Vĩnh Phúc hiện nay là kiểm soát dịch bệnh đối với người dân tại khu dân cư và các biện pháp ổn định hoạt động đối với cộng đồng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
“Tuy vậy, mục tiêu của Vĩnh Phúc là kiểm soát dịch bệnh nhưng không cản trở doanh nghiệp, cản trở dòng chảy hàng hoá. Vì vậy cuộc họp này là để tìm hiểu những khó khăn phát sinh mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay để tỉnh có hướng giải quyết”, Chủ tịch Lê Duy Thành nói.
CÔNG NHÂN VÀ ĐƠN VỊ CUNG ỨNG ĐỀU BỊ CÁCH LY
Tại buổi đối thoại, bà Đoàn Thị Hải Yến, Giám đốc Kế hoạch – Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều trường hợp thuộc diện F2, F3 buộc phải cách ly. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng cho Honda cũng đang thuộc diện “cách ly” do đóng tại địa bàn có diễn biến dịch phức tạp như Bắc Ninh hay Bắc Giang.
“Vì thế, hoạt động của Honda tại Vĩnh Phúc đã bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng kéo dài và không có phương án xử lý, chúng tôi không thể đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất khi rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng luôn cận kề”, bà Yến bày tỏ và đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc sớm có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện đến từ Honda cũng mong muốn tỉnh cân nhắc, xem xét, điều chỉnh hoặc hỗ trợ mức phí xét nghiệm cho người lao động. “Với hơn 4.000 công nhân, chi phí Honda phải chi trả cho dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là khá lớn, chưa kể công ty phải tiếp tục thực hiện cho những lần xét nghiệm tiếp theo”, bà Yến cho biết.
Đến hết ngày 20/5, Vĩnh Phúc có 261 doanh nghiệp đã có kết quả xét nghiệm, với 74.571 mẫu đều cho kết quả âm tính; số lao động đã được xét nghiệm sàng lọc SARS–CoV-2 là 98.533/99.177 người đăng ký, đạt tỷ lệ 99,35% và chưa phát hiện doanh nghiệp nào trong khu công nghiệp có lao động dương tính với SARS-CoV-2.
Còn theo ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Công ty Piaggio Việt Nam, hiện nay, Piaggio đang thực hiện giãn cách tại nơi làm việc, áp dụng hình thức làm việc trực tuyến luân phiên với các chuyên gia… để bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
“Tuy nhiên, vì các chuyên gia của công ty đều ở Hà Nội, không phải vùng dịch phức tạp, chúng tôi đề nghị tỉnh cho phép Piaggio tiếp tục thực hiện phương án này trong thời gian tới khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gần đây của chuyên gia cho kết quả âm tính”, đại diện Piaggio đề xuất.
Lo ngại việc vận chuyển hàng hoá sẽ bị ách tắc do việc kiểm soát dịch bệnh, đại diện doanh nghiệp đến từ Nhật Bản mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá cũng như chủ động phối hợp với địa phương khác để đẩy nhanh thông quan hàng hoá đồng thời với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. “Nếu hàng hoá không lưu thông, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản bày tỏ.
HỖ TRỢ TỐI ĐA CHO DOANH NGHIỆP
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan khẳng định: “Vĩnh Phúc ủng hộ tuyệt đối các chủ trương của doanh nghiệp, chống dịch nhưng vẫn duy trì sản xuất, trên cơ sở các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch, áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhất để kiểm soát dịch bệnh”.
Về vướng mắc trong việc đi lại của các chuyên gia, tỉnh đã có phương án yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết các chuyên gia lưu trú tại Hà Nội phải có kết quả âm tính sau 3 ngày thì được di chuyển ra vào Vĩnh Phúc. Đối với các chuyên gia lưu trú tại tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ bố trí khách sạn và hỗ trợ giá, chất lượng dịch vụ phù hợp nhất. Riêng các chuyên gia ngoài địa bàn Hà Nội, bà Lan đề nghị phải ở lại tỉnh Vĩnh Phúc và thực hiện nghiêm việc kiểm soát dịch bệnh.
“Chống dịch là chống giặc vô hình nên tỉnh rất cần sự chung tay của doanh nghiệp. Nếu cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ, ngay trong tối nay chúng tôi sẽ có phương án và chậm nhất trong sáng mai (22/5), tỉnh sẽ có văn bản quy định cụ thể với mục tiêu cao nhất là chống dịch và đảm bảo sản xuất”,
ông Lê Duy Thành
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Đề cập đến an toàn đối với nguồn nhân lực lao động, bà Lan khẳng định “với người lao động quê ở vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh… bắt buộc phải ở lại tỉnh nếu muốn tiếp tục làm việc tại các khu công nghiệp”. Ngoài ra, các lao động ngoài vùng dịch, tỉnh sẽ sắp xếp có chỗ ở miễn phí với các trường hợp này để đảm bảo nguồn nhân lực đang thiếu hụt.
Đối với vấn đề lưu thông hàng hoá, Bí thư Vĩnh Phúc nhấn mạnh tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo “chống dịch nhưng không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá”.
Theo đó, tỉnh đề nghị các lái xe, người đi cùng phải có kết quả âm tính trong 3 ngày thì mới được phép ra vào khu công nghiệp. Các xe phải được phun khử khuẩn, đảm bảo các biện pháp an toàn.
“Đặc biệt, Vĩnh Phúc sẽ chủ động làm việc với các tỉnh nhằm tháo gỡ sớm nhất có thể việc lưu thông hàng hoá, vưỡng mắc trong thông quan, hải quan với các tỉnh.”, Bí thư Vĩnh Phúc .