Chủ tịch ECB: Kinh tế thế giới đang chịu sức ép tương tự những năm 1920
“Chúng ta đã trải qua đại dịch tồi tệ nhất từ những năm 1920, cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ những năm 1940, và cú sốc năng lượng nặng nề nhất từ thập niên 1970”...
Nền kinh tế toàn cầu đang đương đầu với những áp lực tương tự như hệ quả của “chủ nghĩa dân tốc về kinh tế” và sự sụp đổ của thương mại toàn cầu hồi thập niên 1920 và cuối cùng là Đại suy thoái hồi đầu những năm 1930 - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo.
“Chúng ta đã trải qua đại dịch tồi tệ nhất từ những năm 1920, cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ những năm 1940, và cú sốc năng lượng nặng nề nhất từ thập niên 1970”, tờ Financial Times dẫn lời bà Lagarde phát biểu hôm thứ Sáu. Bà nói rằng những gián đoạn này kết hợp với những yếu tố như vấn đề trong cuỗi cung ứng đã khiến cho các hoạt động kinh tế trên toàn cầu vĩnh viễn thay đổi.
Trong bài phát biểu tại một sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington vào thời điểm 2 ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm - động thái giúp đưa thị trường chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục - bà Lagarde lập luận rằng có một số điểm tương đồng nổi bật “giữa những năm 1920 và những năm 2020. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ quyền lực nhất châu Âu chỉ ra “những bước thụt lùi trong hội nhập thương mại toàn cầu” bên cạnh những tiến bộ công nghệ ở cả hai thời đại.
Bà Lagarde nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ những năm 1920 khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, khi việc tuân thủ bản vị vàng đẩy các nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng giảm phát và khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên “ngày nay chúng ta đang ở vào một vị thế tốt hơn so với các bậc tiền bối để xử lý những thay đổi mang tính cấu trúc này”, bà nói.
Theo Chủ tịch ECB, cách đây 1 thế kỷ, các ngân hàng trung ương đã học được một bài học đắt giá rằng việc neo tiền tệ với vàng và tỷ giá hối đoái cố định không phải là một biện pháp tốt “trong thời kỳ có sự thay đổi cơ cấu sâu sắc” vì cách làm đó đẩy thế giới vào tình trạng giảm phát, gây ra bất ổn kinh tế và góp phần vào “chu kỳ dân tộc chủ nghĩa trong kinh tế”.
Ngày nay, công cụ của ngân hàng trung ương nhằm duy trì sự ổn định về giá “đã chứng minh được hiệu quả” - bà Lagarde nhấn mạnh. Bà chỉ ra rằng lạm phát đã giảm nhanh chóng sau khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022. Trước đó, giá tiêu dùng trên toàn cầu đã leo thang chóng mặt do các yếu tố gồm nhu cầu tăng vọt sau đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và giá năng lượng tăng mạnh sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ.
Bà Lagarde miêu tả giai đoạn này như một “bài kiểm tra căng thẳng cực độ” đối với chính sách tiền tệ.
Với lạm phát dịu đi, các ngân hàng trung ương đã có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây khi. Lạm phát hàng năm tại khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022 nhưng đã giảm về mức thấp nhất trong ba năm là 2,2% trong tháng 8 vừa qua.
Bà Lagarde cho rằng việc các ngân hàng trung ương đã kiểm soát được lạm phát trong vòng chưa đầy 2 năm đồng thời tránh được tình trạng thất nghiệp gia tăng là một kết quả rất đáng để ghi nhận. “Rất hiếm khi tránh được tình trạng việc làm suy giảm nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để ứng phó với giá năng lượng tăng cao. Nhưng số người có công ăn việc làm ở eurozone đã tăng thêm 2,8 triệu người trong thời gian từ cuối năm 2022 đến nay”, bà nói.
Dù vậy, Chủ tịch ECB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên tự mãn, nói rằng những trở ngại tiềm tàng đối với tiến trình toàn cầu hóa, sự tan rã một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, sức mạnh thị trường của những gã khổng lồ công nghệ như Google và “sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI)” đều có thể đặt ra thử thách đối với các ngân hàng trung ương.
Bà cho rằng sự bất định sẽ “vẫn ở mức cao” đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và “chúng ta cần quản lý sự bất định đó tốt hơn”.