Chủ tịch Fed nói không vội nâng lãi suất, chứng khoán Mỹ bùng nổ
Nhà đầu tư mừng rỡ khi ông Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản trong năm nay nhưng còn lâu mới đến lúc tăng lãi suất
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/8) và hoàn tất một tuần đi lên, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư về việc Fed chuẩn bị thắt lại chính sách tiền tệ.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, ông Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng ngay trong năm nay. Điều này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, nhưng nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi ông Powell nói rằng việc Fed bắt đầu nâng lãi suất sẽ không sớm diễn ra.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, đạt 35.455,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,88%, đạt 4.509,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,23%, đạt 15.129,5 điểm.
Đây là lần thứ tư trong tuần này S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Với loạt phiên lập kỷ lục, chứng khoán Mỹ khép lại một tuần tăng mạnh, với Dow Jones tăng 0,9%; S&P 500 tăng 1,5%; và Nasdaq tăng 2,8%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh trong tuần này cho tới trước bài phát biểu của ông Powell, do nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sắp rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lợi suất giảm nhẹ sau khi ông Powell nói rõ rằng việc nâng lãi suất sẽ không diễn ra ngay sau khi Fed kết thúc chương trình mua tài sản.
“Thời điểm và tốc độ của việc cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ không nhằm phát đi một tín hiệu trực tiếp về thời điểm nâng lãi suất. Chúng tôi luôn nói rõ rằng tăng lãi suất là một bài kiểm tra khác và nghiêm ngặt hơn”, ông Powell phát biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng lạm phát đang vững quanh ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Ông cũng nói thị trường việc làm cần thêm thời gian để hồi phục tới mức tối đa, nhưng đã có những bước tiến rõ rệt về mục tiêu này.
Dựa trên tuyên bố từ khác quan chức khác của Fed, giới quan sát dự báo Fed có thể công bố chính thức việc cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp vào ngày 21-22/9.
Phản ứng của thị trường tài chính Mỹ trong phiên này cho thấy Fed đã thành công trong việc chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư để chuẩn bị bước vào thời kỳ rút lại các chính sách hỗ trợ khẩn cấp. Nhờ đó, thị trường có thể tránh được một cú sốc như hồi chối 2013, khi Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản áp dụng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chiến lược gia Michael Arone của US SPDR Business at State Street Global Advisors nói rằng thị trường “thở phào” khi thấy Fed không định sớm nâng lãi suất.
“Tăng lãi suất là chuyện còn xa, và nhà đầu tư vui mừng vì điều đó. Tôi nghĩ rằng Fed xứng đáng được khen ngợi vì sự chuẩn bị tinh thần này cho thị trường, tránh được một đợt biến động mạnh. Thị trường có vẻ đã sẵn sàng đón nhận việc Fed cắt giảm chương trình mua tài sản”, ông Arone phát biểu.
Theo nhà sáng lập Adam Crisafulli của Vital Knowledge, bài phát biểu của ông Powell cũng cho thấy Fed không lo lắng nhiều về sự leo thang của giá cả. “Ông Powell dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu để gạt bỏ mối lo lạm phát. Ông ấy đẩy lùi những nỗi lo về nâng lãi suất, nói với thị trường rằng điều kiện để tăng lãi suất cao hơn nhiều so với ngưỡng để cắt giảm chương trình mua tài sản”, ông Crisafulli nói.
Giám đốc đầu tư Cliff Hodge của Cornerstone Wealth thì nhận thấy rằng ông Powell giữ nguyên quan điểm trước đó của Fed rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Ông Powell duy trì quan điểm này cho dù báo cáo mà Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Mỹ tăng 4,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ năm 1991, và tăng 0,4% so với tháng 6.
“Ông ấy đã thành công trong việc giao tiếp với thị trường rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay trong năm nay, đồng thời củng cố ý niệm rằng cắt giảm mua tài sản không có nghĩa là thắt chặt. Chúng tôi tin rằng nếu không có thêm những trở ngại mới từ biến chủng Delta, tháng 9 sẽ đón nhận một báo cáo việc làm rực rỡ mới, mở đường cho việc Fed công bố giảm mua tài sản”, ông Hodge nói.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất phiên này, sau khi là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Năm. Occidental Petroleum tăng 6,9%; Cimarex Energy tăng 6,5%; và APA Corp tăng 5,9%.
Cổ phiếu các hãng sản xuất ô tô cũng tăng mạnh, như Ford tăng 3% và GM tăng 2%. Loạt cổ phiếu du lịch-lữ hành, gồm cổ phiếu hàng không, tàu du lịch và khách sạn đồng loạt đi lên.
Với phiên tăng mạnh này, chứng khoán Mỹ tiến tới hoàn tất một tháng 8 “rực rỡ”. Tính từ đầu tháng, Dow Jones đã tăng 1,4%; S&P 500 tăng 2,6%;; và Nasdaq tăng 3,1%.