Chứng khoán Mỹ đồng loạt lập kỷ lục sau phát biểu của Chủ tịch Fed
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/12), cả ba chỉ số của chứng khoán Mỹ đều đóng cửa cao kỷ lục nhờ cổ phiếu công nghệ tăng mạnh và phát biểu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell...
Tại một sự kiện của tờ báo New York Times ngày 4/12, ông Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn so với tháng 9 – khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, và điều này cho phép các nhà hoạch định chính sách thận trọng “hơn một chút” trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
“Phát biểu của ông Powell cùng với một báo cáo về hoạt động kinh tế của Fed đã góp phần vào tâm lý lạc quan trên thị trường”, ông Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng về thị trường tại Spartan Capital Securities (Mỹ), nhận định.
Trong một tóm tắt các khảo sát và phỏng vấn từ khắp các chi nhánh của Fed, có tên là "Beige Book", các quan chức Fed nhận định hoạt động kinh tế đã tăng trưởng nhẹ ở hầu hết các khu vực của nền kinh tế Mỹ kể từ đầu tháng 10.
“Ông Powell rất lạc quan về nền kinh tế và ông ấy cũng nói rằng chúng ta đang có những bước tiến khả quan trong tiến trình giảm lạm phát. Nhìn chung đây là một tin tốt với thị trường cổ phiếu”, ông Cardillo nhận xét.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào lần hạ lãi suất thứ ba tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/12 sắp tới của Fed.
Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu hãng công nghệ tăng vọt 11% lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi công ty điện toán đám mây doanh nghiệp này báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vượt dự báo của các nhà phân tích, đồng thời nâng dự báo của cả năm nay. Cổ phiếu của các công ty điện toán đám mây khác cũng tăng mạnh.
Chỉ số S&P 500 hôm qua lập kỷ lục mới, với nhóm cổ phiếu truyền thông và tiêu dùng thiếu yếu đóng cửa cao kỷ lục. Cũng trong nhóm công nghệ, cổ phiếu Marvell Technology tăng 23,2% và lập kỷ lục sau khi nhà sản xuất chip này dự báo kết quả kinh doanh quý 4 vượt dự báo của các nhà phân tích. Chỉ số của nhóm cổ phiếu bán dẫ tăng 1,7%, trong đó riêng Nvidia tăng 3,5%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, chốt ở mức 45.014,44 điểm. S&P 500 tăng 0,5% lên 6.086,47 điểm, còn Nasdaq đóng cửa ở mức 19.735,12 điểm, tăng 1,3%.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu và số liệu thất nghiệp vào ngày thứ Năm. Đầu ngày thứ Tư, số liệu mới công bố cho thấy bảng lương khu vực tư nhân tại Mỹ có sự gia tăng nhẹ trong tháng 11.
Theo một khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM), hoạt động ngành dịch vụ của Mỹ giảm nhẹ trong tháng 11 sau các tháng tăng mạnh gần đây.
“Các số liệu kinh tế gần đây đã củng cố mạnh mẽ cho dự báo rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng này”, ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research (Mỹ) nhận xét. “Báo cáo việc làm ngày thứ Sáu sẽ là báo cáo quan trọng nhất của tuần này”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phiên 4/12 quay đầu giảm trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi quyết định gia hạn chương trình giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác – còn gọi là OPEC+.
Giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,31 USD, tương đương giảm 1,78%, chốt ở 72,31 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,4 USD, tương đương giảm 2%, còn 68,54 USD. Trong phiên trước đó, dầu thô Brent tăng mạnh nhất trong vòng hai tuần với 2,5%.
Theo các nhà phân tích, thị trường dường như đang trong tâm trạng bồn chồn khi nhà đầu tư đổ dồn chú ý vào cuộc họp sắp tới của OPEC+, dự kiến diễn ra ngày 5/12. Nguồn tin từ Reuters cho biết nhóm này có thể sẽ gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng cho tới cuối quý 1 năm sau.
“Dù việc tiếp tục cắt giảm sản lượng là điều được dự báo trước, nhưng những phát biểu từ cuộc họp mới quan trọng và có sức ảnh hưởng”, nhà phân tích dầu mỏ Matt Smith của Kpler nhận định.
Theo các nhà phân tích, dầu mỏ vẫn còn nhiều dư địa tăng giá trong bối cảnh lệnh nừng bắt giữa Israel và lượng lượng Hezbollah ở Lebanon đang trong trạng thái mong manh, bất ổn chính trị ở Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Yoon Suk Yeol và các cuộc tấn công của phiến quân ở Syria có thể ảnh hưởng tới các nước xuất khẩu dầu mỏ.