Chứng khoán Mỹ giảm 4 phiên liên tiếp, giá dầu sụt mạnh do tin từ Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/9) dù số liệu mới từ thị trường lao động khả quan hơn dự báo...
Giá dầu thô giảm mạnh sau khi có tin Trung Quốc xả dự trữ dầu quốc gia và lượng tồn kho dầu của Mỹ giảm ít hơn dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,43%, còn 34.789,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,46%, còn 4.493,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,25%, còn 15.248,25 điểm.
Đây là phiên giảm thứ tư liên tục của Dow Jones và S&P 500, đồng thời là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 8 Nasdaq có hai phiên giảm liên tiếp.
Phiên giảm này diễn ra cho dù Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trong tuần quan giảm còn 310.000, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, so với mức dự báo 335.000 mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Giới đầu tư ở Phố Wall đang hồi hộp ngóng chờ tin tức từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá cổ phiếu được dự báo sẽ giằng co cho tới ngày 21-22/9, khi Fed có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 9/9, Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) tuyên bố giữ nguyên chính sách tiền tệ, nhưng nói sẽ giảm tốc độ chương trình mua tài sản để phù hợp với tình hình lạm phát tăng cao. Một chủ trương tương tự cũng có thể được đưa ra trong cuộc họp sắp tới của Fed.
“Tốc độ thay đổi chính sách sẽ đủ chậm để không gây trệch hướng tăng trưởng kinh tế hay đà tăng của thị trường chứng khoán. Sự khác biệt giữa những ngân hàng trung ương cứng rắn hơn và những ngân hàng trung ương mềm mỏng hơn sẽ tạo ra cơ hội”, hãng tin CNBC dẫn lời Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management.
“Chúng tôi dự báo các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp thêm một thời gian dài. Điều này tích cực đối với giá cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu giá trị và cổ phiếu chu kỳ”.
Mặc phiên giảm này, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang ở gần mức cao kỷ lục. Dow Jones đang cách đỉnh khoảng 2%, Nasdaq và S&P 500 thấp hơn khoảng 1% so với ngưỡng cao nhất mọi thời đại.
“Những đỉnh cao mới sẽ không phải là một vấn đề chừng nào thị trường vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng. Động lực tăng lớn nhất của thị trường trong năm nay là lợi nhuận của doanh nghiệp”, Giám đốc đầu tư Keith Lerner của Truist viết trong một báo cáo.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa phiên ngày thứ Năm với mức giảm 1,36 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 71,22 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,43 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 67,78 USD/thùng.
Giá “vàng đen” đương đầu áp lực giảm sau khi cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia Trung Quốc tuyên bố xả dự trữ dầu thô ra thị trường thông qua đấu giá công khai. Mục đích của động thái này nhằm giảm bớt áp lực về giá cả đối với các nhà máy lọc dầu trong nước.
“Thị trường dầu đang thiếu cung, nhưng động thái của Trung Quốc có thể thay đổi trạng thái này trong thời gian còn lại của năm”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của nước này giảm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/9, ít hơn nhiều so với mức dự báo giảm 4,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Dữ liệu về tồn kho dầu gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm 7,2 triệu thùng, vượt xa dự báo giảm 3,4 triệu thùng, lại là nhân tố hỗ trợ giá dầu phiên này.
“Nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ đang rất cao, và đó là xu hướng trong suốt mùa hè này”, nhà quản lý John Kilduff thuộc Again Capital LLC ở New York phát biểu.
Cũng theo EIA, do ảnh hưởng của bão Ida, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 3/9 giảm còn 10 triệu thùng/ngày, từ mức 11,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.