Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vì cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, giá dầu tăng gần 2%
Các chỉ số trượt xuống đáy của phiên giao dịch vào buổi chiều sau khi ông Powell nói chính sách thuế quan của ông Trump có thể đặt ra thách thức đối với Fed...

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/4), khi cảnh báo u ám từ Nvidia và mối quan ngại mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ liên quan tới thuế quan khiến giới đầu tư thêm phần bất an. Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn tăng khá mạnh do Mỹ công bố biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hoạt động nhập khẩu dầu của Iran.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 699,57 điểm, tương đương giảm 1,73%, còn 39.669,39 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,24%, còn 5.275,7 điểm, trong đó công nghệ là nhóm cổ phiếu ngành ghi nhận mức giảm sâu nhất. Chỉ số Nasdaq giảm 3,07%, còn 16.307,16 điểm.
Với phiên giảm này, Nasdaq đóng cửa ở mức thấp hơn khoảng 19% so với đỉnh gần nhất, tiến gần tới trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Cổ phiếu Nvidia “bốc hơi” 6,9% sau khi hãng chip khổng lồ cho biết sẽ phải trừ 5,5 tỷ USD trong kết quả kinh doanh quý 1/2025 liên quan tới hoạt động bán bộ vi xử lý đồ họa (GPU) H20 cho Trung Quốc và các quốc gia khác. Nivdia nói rằng Chính phủ Mỹ bất ngờ đưa ra quy định mới, yêu cầu công ty phải xin cấp phép mới được xuất khẩu loại chip này từ Mỹ sang Trung Quốc, dù đây là con chip được làm riêng cho thị trường Trung Quốc để đáp ứng các quy định thương mại của Mỹ.
Cổ phiếu Nvidia cũng đương đầu với áp lực giảm sau khi tờ báo New York Times đưa tin nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát startup trí tuệ nhân tạo (AI) đình đám của Trung Quốc DeepSeek. Công ty này là một khách hàng mua chip của Nvidia.
Loạt cổ phiếu chip khác giảm theo Nvidia trong phiên này, như AMD giảm 7,4%, Micron Technology trượt 2,4%, và ASML giảm 7%.
“S&P 500 bây giờ đã trở thành một chỉ số bị chi phối bởi cổ phiếu công nghệ nhiều hơn trước kia. Cổ phiếu công nghệ đang có ảnh hưởng lớn hơn tới sự tăng, giảm của chỉ số này. Tuần trước, S&P 500 tăng nhờ cổ phiếu công nghệ tăng, và tuần này chúng ta ta đang chứng kiến điều ngược lại”, nhà quản lý danh mục Zachary Hill của công ty Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Các chỉ số trượt xuống đáy của phiên giao dịch vào buổi chiều sau khi ông Powell nói chính sách thuế quan của ông Trump có thể đặt ra thách thức đối với Fed. Trong một phiên hỏi đáp, Chủ tịch Fed nói thuế quan có thể đẩy lạm phát lên trong ngắn hạn và “có thể khiến cho chúng tôi càng cách xa mục tiêu của mình hơn”.
“Chúng tôi có thể sẽ phải đối diện với kịch bản khó khăn mà ở đó mục tiêu kép của chúng tôi trở nên căng thẳng. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ đánh giá xem liệu nền kinh tế đã rời xa mỗi mục tiêu tới mức độ như thế nào, và cần thời gian như thế nào để tiến lại gần hơn mỗi mục tiêu đó”, ông Powell nói trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago.
Thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng áp lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào hôm 2/4. Sau đó, ông Trump hạ tất cả thuế suất của kế hoạch thuế quan này về mức cơ sở 10%, áp dụng trong 90 ngày, vào tuần trước, nhưng tổng thuế quan áp lên hàng Trung Quốc tăng lên mức 145%.
Cuối tuần trước, Mỹ công bố miễn thuế quan cho hàng công nghệ, nhưng ông Trump phát tín hiệu rằng việc miễn này chỉ là tạm thời. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng đã có những tuyên bố và động thái nhằm tiến tới áp thuế quan lên các mặt hàng như con chip, gỗ xẻ, dược phẩm và kim loại đồng.
Kể từ sau hôm 2/4 đến nay, S&P 500 đã giảm gần 7%, trong khi Nasdaq sụt 7,4% và Dow Jones giảm khoảng 6%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,18 USD/thùng, tương đương tăng 1,82%, chốt ở mức 65,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,86%, chốt ở 62,47 USD/thùng.
Chính phủ Mỹ ngày 17/4 công bố lệnh trừng phạt mới nhằm siết chặt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bao gồm việc nước này cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc. Đây là một bước đi nhằm thực hiện chủ trương của ông Trump về đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran về chương trình hạt nhân của Iran đã được khởi động trong tháng này.
Biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đặt ra rủi ro suy giảm nguồn cung dầu toàn cầu, từ đó đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên, dầu thô tuần này đã đương đầu áp lực giảm giá từ mối lo rằng thuế quan của Mỹ sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới năm nay trong báo cáo hàng tháng công bố tuần này. Một loạt ngân hàng gồm UBS, BNP Paribas và HSBC đều đã cắt giảm dự báo giá dầu năm 2025.
“Nền kinh tế thế giới đang có sự phụ thuộc lớn vào việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến một thỏa thuận thương mại, tránh một cuộc chiến thương mại kéo dài”, chiến lược gia trưởng Alex Hodes của công ty StoneX nhận định trong một báo cáo.
Dữ liệu thống kê của Trung Quốc công bố ngày 16/4 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) nước này tăng 5,4% trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước, vượt mức dự báo tăng 5,1% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil cho rằng với sức ép của thuế quan, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới khó duy trì được đà tăng này trong thời gian còn lại của năm nay.