Chứng khoán Mỹ hoàn tất tháng giảm mạnh nhất từ đầu năm, giá dầu tăng 28% trong quý 3
Cả Dow Jones và S&P 500 đã tăng vào đầu phiên giao dịch, khi nhà đầu tư hứng khởi với số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29/9) do lo ngại về khả năng Chính phủ đóng cửa, hoàn tất một tháng và một quý giảm mạnh. Giá dầu cũng giảm phiên này vì mối lo kinh tế và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, nhưng đạt thành quả tăng ấn tượng 28% trong quý 3.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 158,84 điểm, tương đương giảm 0,47%, còn 33.507,5 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,27%, còn 4.288,05 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,14%, đạt 13.219,32 điểm.
Cả Dow Jones và S&P 500 đã tăng vào đầu phiên giao dịch, khi nhà đầu tư hứng khởi với số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang. Ở đỉnh của phiên, Dow Jones tăng khoảng 0,7%, S&P 500 tăng 0,8%, còn Nasdaq tăng 1,4%.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng, tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các nhà kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng tương ứng 0,2% và 3,9%.
Tuy nhiên, khả năng Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ ngày 1/10 đã phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư trong khoảng thời gian sau đó của phiên giao dịch. Ngày thứ Sáu, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hoà tại Hạ viện không thể thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn để cấp ngân sách cho Chính phủ từ ngày 1/10 - thời điểm bắt đầu năm tài khoá mới. Thế bế tắc này đẩy cao mối lo ngại rằng các nghị sỹ sẽ không thể đạt thoả thuận trước khi kết thúc ngày 30/9.
“Thị trường đang lo ngại về khả năng Chính phủ đóng cửa. Việc đóng cửa kéo dài bao lâu và ảnh hưởng trong ngắn hạn như thế nào đến các số liệu kinh tế, niềm tin tiêu dùng và lãi suất sẽ là vài trong số những vấn đề chính mà nhà đầu tư quan tâm”, nhà quản lý danh mục Chris Fasciano của công ty Commonwealth Financial Network nhận định.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã giảm mạnh trong tháng 9 và trong quý 3. S&P 500 đã giảm 4,9% trong tháng và 3,7% trong quý. Nasdaq giảm 5,8% trong tháng và 4,1% trong quý. Đây là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ đầu năm. Dow Jones hoàn tất quý và tháng với mức giảm tương ứng là 3,5% và 2,6%.
“Thị trường chứng khoán đã giảm quá nhiều và quá nhanh, vì một danh sách dài những mối lo. Cách đây mấy tháng, thị trường hầu như không phải lo lắng gì và có một niềm tin rằng Fed sẽ tạo ra được một cuộc hạ cánh mềm. Giờ đây, một loạt vấn đề xuất hiện và nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về triển vọng kinh tế”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của BMO Family Office nhận định.
Tuần này, Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 1,3% và 0,7%, trong khi Nasdaq tăng 0,06%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,07 USD/thùng, còn 95,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,92 USD/thùng, chốt ở 90,97 USD/thùng, tương đương giảm 1%.
Giá dầu Brent đã tăng 2,2% trong tuần này và tăng 27% trong quý 3. Giá dầu WTI tăng 1% tuần này và tăng 29% trong quý 3.
Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời khi giá dầu hướng tới mốc 100 USD/thùng. Họ cũng lo ngại về các vấn đề kinh tế vĩ mô, tương tự như các nhà đầu tư cổ phiếu.
Mối lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu do OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, cắt giảm sản lượng đang là động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng. Trong khi đó, sức ép mất giá đối với dầu đang đến từ triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ, nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa, và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc.
Cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo để bàn về giá dầu của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/10. Giới phân tích cho rằng nỗ lực hạn chế sản lượng khai thác dầu của liên minh này, nhất là của Saudi Arabia và Nga, sẽ tiếp tục chi phối giá dầu trong thời gian còn lại của năm nay.
Trong một cuộc khảo sát với sự tham gia của 42 chuyên gia kinh tế được hãng tin Reuters thực hiện hôm thứ Sáu, giá dầu Brent sẽ bình quân ở mức 89,85 USD/thùng trong quý 4 năm nay và 86,45 USD/thùng trong năm 2024.
Chuyên gia phụ trách mảng năng lượng tại DBS Bank, ông Suvro Sarkar, nói với hãng tin Reuters rằng đà tăng về mức giá 100 USD/thùng dầu sẽ khó duy trì lâu do “bản chất nhân tạo của sự thiếu hụt nguồn cung trong hệ thống, cộng thêm môi trường kinh tế vĩ mô mong manh”.