Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ lạc quan kinh tế, giá dầu tăng sau tin Gaza
"Những gì chúng ta đang chứng kiến năm nay là nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ cơ hội như họ đã từng trong năm ngoái nữa”...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/2), với chỉ số S&P 500 thiết lập kỷ lục mới gần mốc 5.000 điểm, khi nhà đầu tư xem loạt báo cáo tài chính khả quan mới như một dấu hiệu về sự vững vàng của nền kinh tế. Giá dầu thô đi lên do hy vọng về một thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza không còn nhiều.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,82%, đạt 4.995,06 điểm. Trong phiên, chỉ số lập đỉnh ở mức 4.999,89 điểm. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ vượt qua mốc 4.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4/2021.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,95%, chốt ở mức 15.756,64 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 156 điểm, tương đương tăng 0,4%, chốt ở mức cao nhất mọi thời đại 38.677,36 điểm.
“Phiên tăng này được dẫn dắt bởi các báo cáo tài chính khả quan. Xu thế tăng lan tới cả những công ty chưa công bố báo cáo. Những gì chúng ta đang chứng kiến năm nay là nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ cơ hội như họ đã từng trong năm ngoái nữa”, Giám đốc đầu tư Kim Forrest của công ty Bokeh Capital nhận định về phiên ngày thứ Tư.
Loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024 công bố trong phiên này mang tới tâm trạng phấn khởi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, kết quả kinh doanh khả quan mà các công ty công nghệ vốn hoá lớn công bố từ những ngày trước tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực, đưa nhóm công nghệ giữ đà tăng điểm.
Cổ phiếu hãng chip Nividia và hãng phần mềm Microsoft tăng khoảng 2%, đạt mức cao mới. Meta Platforms, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, tăng 3,3%. Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, và công ty thương mại điện tử Amazon tăng khoảng 1% mỗi cổ phiếu.
Enphase Energy tăng khoảng 17% sau khi công ty điện mặt trời này cho biết lượng hàng tồn kho đã gần đáy. “Thơm lây” cổ phiếu này, nhiều cổ phiếu năng lượng mặt trời khác cũng tăng theo. Cổ phiếu hãng xe Ford tăng 6% sau khi công ty đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo và kỳ vọng khả quan về quý tới.
Mùa báo cáo tài chính tốt hơn kỳ vọng, cộng thêm triển vọng kinh doanh lạc quan, là một nguồn sức mạnh cho giá cổ phiếu ở Phố Wall trong những tuần gần đây. Nhà đầu tư tin rằng những kết quả và kỳ vọng này là một dấu hiệu rằng người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu và nền kinh tế Mỹ duy trì được sự vững vàng trong môi trường lãi suất cao.
“Tin tốt đã tới và nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc. Cùng với đó, chúng ta tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu của giảm lạm phát, cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay”, Giám đốc đầu tư Nancy Curtin của công ty AITi Tiedemann Global nhận định.
Xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ đang được nối lại sau một vài gián đoạn do có sự dịch chuyển về kỳ vọng lãi suất sau những phát biểu thận trọng của giới chức Fed. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng nhà đầu tư sẽ phải đợi lâu hơn so với kỳ vọng cho tới khi Fed có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, nói rằng ông kỳ vọng Fed chỉ có 2-3 đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Cho tới gần đây, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3 và có thể có tới 6 đợt giảm trong cả năm. Hiện tại, các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều vào khả năng Fed có đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Trong một báo cáo, Giám đốc điều hành Chris Hussey của ngân hàng Goldman Sachs nhận định phiên giao dịch ngày thứ Tư có thể là một bằng chứng cho thấy nhà đầu tư đang “trở nên thoải mái hơn” với ý tưởng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất muộn hơn kỳ vọng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York tăng 0,55 USD/thùng, tương đương tăng 0,75%, chốt ở mức 73,86 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 0,79%, chốt ở 79,21 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ một đề xuất mà phía Hamas đưa ra về một thoả thuận ngừng bắn vĩnh viễn trên dải Gaza. Nhà lãnh đạo tuyên bố Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza cho tới khi giành “chiến thắng tuyệt đối”. Tuyên bố này được ông Netanyahu đưa ra sau khi ông có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - người cố gắng thúc đẩy một thoả thuận ngừng bắn ở Gaza để đổi lấy việc phóng thích con tin.
Cuộc chiến Israel-Hamas đe doạ kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran. Giới phân tích cảnh báo rằng tình huống như vậy sẽ đẩy giá dầu tăng vọt bởi có thể dẫn tới sự gián đoạn kéo dài của giao thông trên eo biển Hormuz - một đoạn đường huyết mạch của hoạt động vận tải dầu lửa từ Trung Đông, một “vựa dầu” của thế giới.
Ngoài rủi ro địa chính trị, giá dầu cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ dự báo cho rằng sản lượng dầu của Mỹ năm nay sẽ tăng ít hơn so với kỳ vọng. Theo dự báo mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nước này đạt sản lượng dầu kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tháng 12 vừa qua, nhưng mức sản lượng sẽ giảm dầu trong năm nay và phải đến đầu năm 2025 mới lập kỷ lục mới.
Gần đây, mức sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ dẫn tới lo ngại rằng thế giới sẽ thừa dầu trong năm 2024 vì triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu dầu sẽ yếu đi. Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất của EIA, thế giới sẽ thiếu khoảng 120.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm nay.