Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 2 năm sau báo cáo lạm phát, S&P 500 nhảy hơn 5,5%
Giá cổ phiếu bùng nổ sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát có thể đã qua đỉnh...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2020 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/11), sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát có thể đã qua đỉnh. Giá dầu thô cũng tăng hơn 1% sau khi dữ liệu này được công bố.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1.201,43 điểm, tương đương tăng 3,7%, chốt ở mức 33.715,37 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ khi chứng khoán Mỹ bắt đầu hồi phục từ đáy sâu của thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) do đại dịch Covid-19 gây ra. Chỉ số S&P 500 tăng 5,54%, đạt 3.956,37 điểm - mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số Nasdaq tăng 7,35%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, đạt 11.114,15 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất của CPI kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,6% và 7,9% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Nếu không tính hai mặt hàng có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi chỉ tăng 0,3% trong tháng và tăng 6,3% trong vòng 1 năm, cũng thấp hơn so với dự báo.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc mạnh sau báo cáo CPI, với lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm sụt 30 điểm cơ bản, về 3,81%, từ mức hơn 4,1% trước đó. Sụt giảm này xảy ra khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt sự quyết liệt trong chính sách tiền tệ - nhân tố gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu và trái phiếu ở Phố Wall suốt từ đầu năm đến nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng giảm 30 điểm cơ bản, còn 4,32%. Đồng USD - tài sản mà xu hướng tăng mạnh gần đây cũng là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ trượt dốc - có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.
“Lãi suất vẫn đang là nhân tố chi phối tất cả mọi thứ trên thị trường. Với số liệu CPI ngày hôm nay cho thấy lạm phát giảm nhiệt, thị trường đang đặt cược tương đối rõ ràng rằng việc tăng lãi suất đang đi tới hồi kết. Bởi vậy, các bạn thấy những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với lãi suất đang tăng giá rất tốt”, nhà quản lý quỹ Tim Courtney của Exencial Wealth phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Cổ phiếu công nghệ, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lạm phát tăng và lãi suất tăng, chính là nhóm dẫn đầu sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường trong phiên này. Amazon chốt phiên với mức tăng 12,2%; Apple và Microsoft tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu; Meta tăng hơn 10%; và Tesla tăng 7%.
Cổ phiếu các hãng sản xuất con chip cũng tăng mạnh, như Lam Research tăng 12%; AMD tăng hơn 11%; và KLA tăng 9%.
Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ khiến nhiều người liên tưởng đến đợt hồi phục của thị trường bắt đầu hồi giữa tháng 10. Nhưng đợt phục hồi đó đã mất đà trong những tuần gần đây. Với phiên tăng ngày thứ Năm, Dow Jones đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 và S&P 500 đã vượt ngưỡng 3.900 điểm - một mức cản kỹ thuật quan trọng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 93,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 84,67 USD/thùng.
Sau 3 ngày giảm liên tiếp, giá dầu cuối cùng đã hồi phục khi nhà đầu tư hy vọng rằng với sự giảm nhiệt của lạm phát, Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại hoặc thậm chí dừng tăng. “Dữ liệu CPI có thể tạo ra một bước ngoặt cho giá dầu. Vẫn còn nhiều bất ổn phía trước, nhưng mọi thứ đã bất ngờ trở nên tích cực hơn một chút”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định với Reuters.
Việc đồng USD giảm giá hơn 2% cũng là một nhân tố quan trọng đưa dầu thô tăng giá phiên này. Dù vậy, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm từ các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Dịch đang bùng phát ở Quảng Châu, và các biện pháp nghiêm khắc như xét nghiệm hàng loạt đang được áp dụng trở lại.
Thị trường tiền ảo cũng hồi phục cùng với các tài sản rủi ro khác, sau phiên bán tháo hôm thứ Tư. Giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam đứng ở mức gần 17.600 USD, tăng gần 11% so với cách đó 24 tiếng - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com. Tổng vốn hoá toàn thị trường tăng 11,5%, đạt 883,5 tỷ USD.