Chứng khoán Mỹ và tiền ảo cùng hồi giá sau quyết định lãi suất của Fed, dầu thô tụt dốc
Giá cổ phiếu giằng co mạnh sau khi quyết định của Fed được công bố, nhưng đạt đỉnh của phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại họp báo rằng: “Mức tăng 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm là có khả năng cao nhất tại cuộc họp tiếp theo của chúng tôi”...
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/6), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu có thể tiếp tục áp dụng bước nhảy này trong đợt nâng vào tháng 7. Giá tiền ảo cũng chuyển “xanh” theo giá cổ phiếu, trong khi giá dầu thô giảm mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 303,7 điểm, tương đương tăng 1%, đạt 30.668,53 điểm, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng 1,46%, đạt 3.789,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,5%, đạt 11.099,15 điểm.
Giá cổ phiếu giằng co mạnh sau khi quyết định của Fed được công bố, nhưng đạt đỉnh của phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại họp báo rằng “mức tăng 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm là có khả năng cao nhất tại cuộc họp tiếp theo của chúng tôi”.
Việc Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần này đã được nhà đầu tư lường trước. Tuy nhiên, việc ông Powell sẵn sàng có thêm một lần nâng lãi suất như vậy là điều khiến thị trường ngạc nhiên.
“Lập trường trở nên cứng rắn hơn này có thể vẫn phù hợp với mục tiêu đưa nền kinh tế hạ cánh một cách ‘tương đối mềm’, nhưng cánh cửa để đạt mục tiêu đó cũng trở nên hẹp hơn”, chiến lược gia Barry Gilbert thuộc LPL Financial nhận định. “Chúng tôi hiện vẫn cho rằng Fed sẽ lùi lại khỏi dự báo mới rằng lãi suất tham chiếu của Fed sẽ đạt 3,4% vào cuối năm nay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ưu tiên của Fed là thể hiện quyết tâm chống lạm phát”.
Boeing và các cổ phiếu có liên hệ mật thiết với kinh tế khác tăng giá mạnh vì nhà đầu tư hy vọng việc Fed nâng lãi suất sẽ không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Mỹ chốt phiên với mức tăng 9,5%.
Cổ phiếu công nghệ - nhóm bị bán tháo dữ dội nhất khi chỉ số S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) - dẫn đầu sự tăng điểm của thị trường phiên này, với Amazon và Tesla tăng hơn 5% mỗi cổ phiếu. Netflix tăng 7,5%.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của Fed – tuyên bố “cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”.
“Tuyên bố ngày hôm nay khẳng định cam kết của Fed về chống lạm phát một cách quyết liệt hơn, mặc cho những hệ quả bất lợi tiềm tàng của việc tăng lãi suất với tốc độ nhanh như vậy. Nói chung, lãi suất của Fed đã lạc nhịp lạm phát ở một số thời điểm, và ở hiện tại, việc Fed nâng lãi suất quyết liệt sẽ xoa dịu mối lo của thị trường”, chuyên gia Charlie Ripley của Allianz Investment Management nhận định.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, nhóm duy nhất “đỏ” phiên này là nhóm năng lượng. Tiêu dùng không thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 3%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên giảm 2,7 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 118,51 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,62 USD/thùng, tương đương giảm hơn 3%, còn 115,31 USD/thùng.
Đồng USD tăng giá mạnh sau quyết định lãi suất của Fed là một nguyên nhân khiến dầu tụt giá phiên này.
Trong một diễn biến khác gây bất lợi cho giá dầu, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 100.000 thùng/ngày trong tuần trước, lên mức 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Ngoài ra, báo cáo hàng tuần của EIA cũng cho thấy tồn kho dầu thô và các sản phẩm dầu chưng cất tăng trong tuần qua.
“Sản lượng khai thác dầu nội địa tăng nhẹ có thể là dấ hiệu đầu tiên của việc sắp có thêm nhiều dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Ngoài ra, giá dầu cũng gặp trở ngại khi Covid-19 bùng trở lại ở Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo về một đợt phong toả mới.
Giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ lớn của hoạt động lái xe trong mùa hè. Số liệu của Mỹ cho thấy tồn kho xăng của nước này giảm trong tuần trước, cho thấy nhu cầu đi lại vẫn mạnh cho dù giá xăng đắt đỏ. Tổng thống Joe Biden đã yếu cầu các công ty dầu lửa giải thích vì sao không cung cấp thêm xăng ra thị trường.
Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng giá dầu cao và triển vọng kinh tế xấu đi có thể phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu. Cùng với việc nâng lãi suất vào ngày 15/6, Fed hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 còn 1,7%, từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 3.
Tuy nhiên, mối lo về nguồn cung thắt chặt đồng nghĩa với giá dầu có thể giữ quanh vùng 120 USD/thùng.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, đang gặp nhiều trở ngại trong việc đạt hạn ngạch sản lượng hàng tháng. Thách thức gia tăng đối với nhóm này khi một cuộc khủng hoảng chính trị gây suy giảm sản lượng dầu của Libya.
“Do sản lượng của OPEC đang thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra, thị trường dầu sẽ thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngàu trong nửa sau của năm nay”, nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận định.
Trong xu hướng biến động cùng chiều với thị trường chứng khoán, thị trường tiền ảo đang hồi phục. Tổng vốn hoá của thị trường tiền ảo toàn cầu lúc hơn 7h sáng nay (16/6) theo giờ Việt Nam đạt gần 967 tỷ USD, tăng gần 2,6% so với cách đó 24 tiếng. Giá Bitcoin tăng hơn 3%, đạt 22.659 USD. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã “bốc hơi” gần 25%.