Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo việc làm, giá dầu đi ngang
Những dữ liệu kinh tế mới nhất là cơ sở để nhà đầu tư tin rằng những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu có hiệu ứng như mong muốn...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi báo cáo việc làm tháng 12 và kết quả một cuộc khảo sát hoạt động kinh tế cho thấy lạm phát có thể đang giảm nhiệt - cơ sở để nhà đầu tư tin rằng những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu có hiệu ứng như mong muốn. Giá dầu thô đi ngang và kết thúc một tuần giảm vì mối lo suy thoái kinh tế đè nặng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 700,53 điểm, tương đương tăng 2,13%, đạt 33.630,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,28%, chốt ở 3.895,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,6%, đạt 10.569,29 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ hôm 30/11 và của Nasdaq kể từ hôm 29/12. Tất cả các cổ phiếu thành viên của Dow Jones cùng tăng phiên này.
Phiên tăng này giúp chứng khoán Mỹ chốt tuần với thành quả tăng. Tính cả tuần, Dow Jones và S&P 500 tăng 1,5% mỗi chỉ số, trong khi Nasdaq tăng 1%.
Báo cáo việc làm tổng thể tháng 12 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp trong nền kinh tế nước này có thêm 223.000 công việc mới trong tháng, chênh lệch không quá lớn so với mức dự báo 200.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trước đó. Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương trong tháng chậm hơn dự báo, với mức tăng tháng đạt 0,3% so với mức dự báo tăng 0,4%.
“Tất cả những gì mà nhà đầu tư quan tâm là dữ liệu này cho thấy lạm phát đang giảm về hướng mục tiêu mà Fed đề ra. Quan trọng nhất là tiền lương theo giờ cho thấy lạm phát tiếp tục giảm tốc. Đó là điều khiến nhà đầu tư hưng phấn”, chiến lược gia trưởng Michael Arone của State Street Global Advisors phát biểu trên CNBC.
Lực hỗ trợ cho chứng khoán Mỹ phiên này còn đến từ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 12 cho thấy sự suy giảm - một dấu hiệu nữa cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed trong năm 2022.
“Tin tốt của ngày hôm nay liên quan đến vấn đề lạm phát là tiền lương đang tăng chậm lại. Lãi suất vẫn đang tăng lên mà nền kinh tế vẫn tạo được công ăn việc làm. Đó thực sự là một dạng thắng lợi kép của nền kinh tế. Thêm nữa, chỉ số PMI của ngành dịch vụ thực sự yếu, cũng là một tin tốt nữa”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Management nhận định với hãng tin Reuters.
“Về cơ bản, đó là những gì khiến mọi người cho rằng Fed đang tiến gần tới kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ. Đó là lý do vì sao thị trường tăng điểm”, ông Horneman giải thích.
Còn theo Giám đốc đầu tư John Augustine của Huntington National Bank, trước phiên này, nhà đầu tư đã rất lo lắng về việc Fed sẽ tăng lãi suất nhiều đến mức gây ra suy thoái. “Các báo cáo ngày hôm nay có thể đã giải toả những nỗi lo về suy thoái kinh tế. “Fed có thể đã khiến nền kinh tế giảm tốc ở mức vừa đủ. Họ chỉ còn chờ báo cáo lạm phát nữa là xác định được đã làm đúng hay chưa”, ông Augustine nói.
Phát biểu ngày thứ Sáu, giới chức Fed thừa nhận tăng trưởng tiền lương đã chậm lại và những dấu hiệu khác cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, phát tín hiệu rằng lãi suất Fed có thể chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 2.
Tuy nhiên, theo ông Hungtinton, Fed cần chứng kiến lạm phát giảm tốc thêm trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm tuần tới, trước khi đưa ra quyết định giảm thêm tốc độ nâng lãi suất. Tháng 12 vừa qua, Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, sau 4 đợt tăng liên tiếp với mức tăng 0,75 điểm phần trăm.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,12 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 78,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,1 USD/thùng, tương đương tăng 0,1%, chốt ở 73,77 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu hưởng lợi từ sự xuống giá của đồng USD và những tín hiệu giảm tốc của lạm phát từ báo cáo việc làm vào ngành dịch vụ. Tuy nhiên, nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn phủ bóng lên thị trường dầu, khiến giá năng lượng này giảm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023.
Cả tuần, giá dầu Brent và dầu WTI cùng giảm 8% mỗi loại - đánh dấu tuần khởi đầu năm tệ nhất kể từ 2016. Trong 3 tuần trước tuần này, giá dầu đã tăng tổng cộng khoảng 13% mỗi loại.
“Cơ hội tăng giá của dầu vẫn còn hạn chế, ít nhất trong ngắn hạn. Đó là vì triển vọng kinh tế còn ảm đạm”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil phát biểu.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, hạ giá bán dầu thô nhẹ Arab cho khách châu Á xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đương đầu áp lực giảm.