Chuyển đổi xanh cho ngành chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam
Ngành chăn nuôi, thủy sản giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cung cấp nguồn lương thực dinh dưỡng cao và tạo ra hàng triệu việc làm cho quốc gia. Tuy nhiên, ngành này hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường...
Trong chăn nuôi và thủy sản, thông thường, người chăn nuôi có xu hướng chờ đến khi dịch bệnh xảy ra thì mới bắt đầu hành động. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiệu quả hơn là chủ động triển khai các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn, kiểm soát, và tiêu diệt các mầm bệnh trước khi chúng có cơ hội tiếp xúc với đàn vật nuôi.
AN TOÀN SINH HỌC, PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH
Tại hội nghị bàn tròn các hiệp hội chăn nuôi– thú y khu vực Đông Nam Á vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà quản lý vĩ mô đến từ Việt Nam, Malaysia, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar đã cùng thảo luận sâu vào việc tìm kiếm giải pháp, chính sách để ứng phó hiệu quả với những khó khăn, thách thức chung của ngành chăn nuôi như: An toàn sinh học; chăn nuôi hữu cơ, xanh; kinh tế tuần hoàn, phúc lợi động vật,…
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động nuôi trồng thủy sản truyền thống, dù mang lại lợi ích kinh tế nhưng tiêu tốn nhiều tài nguyên và tạo ra lượng khí thải lớn. Hệ quả là tình trạng nóng lên toàn cầu, suy thoái hệ sinh thái và đã tác động ngược trở lại chính ngành thủy sản.
Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của sản phẩm, đẩy ngành vào thế khó khăn với nguy cơ dịch bệnh tăng cao và tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các đợt bùng phát dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi và thuỷ sản, bao gồm dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, bệnh đốm trắng trên tôm,…
Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, giúp ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của mọi mầm bệnh. Bên cạnh đó, an toàn sinh học còn giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh, từ đó hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Nhằm ứng phó với những thách thức, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, việc giải quyết gốc rễ vấn đề giảm lượng khí thải nhà kính đã và đang trở nên cấp thiết của ngành thủy sản.
Tại hội nghị “An toàn sinh học khu vực Châu Á” trong khuôn khổ chuỗi triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 vừa qua, các nhà khoa học đã chỉ ra cho các nhà chăn nuôi những sai lầm thường gặp cần tránh, các biện pháp tốt nhất để giảm thiểu rủi ro xâm nhập và lây lan dịch bệnh.
Các chuyên gia cũng chia sẻ các kiến thức thực tiễn để phát triển và triển khai mô hình an toàn sinh học toàn diện; các điểm cần lưu ý trong mô hình chăn nuôi và thuỷ sản an toàn sinh học, để có thể dễ dàng xác định và xử lý mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi khỏi mọi rủi ro tiềm ẩn về bệnh tật, cũng như xây dựng “văn hóa an toàn” nhằm tăng cường việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học…
CHĂN NUÔI “XANH” LÀ XU HƯỚNG CHUNG NHƯNG DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN TÍN DỤNG XANH
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023 với mức tăng 3,83%, cao nhất kể từ năm 2019; trong đó chăn nuôi chiếm ¼ tỷ trọng đồng thời có những bước tiến nổi bật mới trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế.
Dẫn chứng các số liệu, Thứ trưởng Tiến cho biết tổng sản lượng của ngành chăn nuôi Việt Nam năm qua tăng 6,38% so với năm 2022. Chăn nuôi lợn đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, giúp cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Các sản phẩm ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.
Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xã định mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Chiến lược cũng đạt ra mục tiêu cụ thể với mức tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021- 2025 trung bình từ 4%- 5%/năm; giai đoạn 2026- 2030 trung bình từ 3%- 4%/năm.
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng công nghiệp hóa nền chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường là xu thế chung nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn vốn cho chuyển đổi nông nghiệp xanh hướng đến bảo tồn sinh thái khá lớn, nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Phó Tổng giám đốc Công ty Mebifarm (Bình Thuận).
Mặc dù mô hình chăn nuôi theo truyền thống đã và đang đặt ra nhiều thách thức như về nguồn tài nguyên hao tổn và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng để thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất từ thức ăn, quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải… đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.
Ngoài ra, sự khác biệt về sản phẩm đầu tư xanh và sản phẩm truyền thống chưa được người tiêu dùng nhận biết rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà chăn nuôi.
Nêu thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để trợ lực, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong ngành.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty Mebifarm (Bình Thuận) cũng cho rằng nguồn vốn cho chuyển đổi nông nghiệp xanh hướng đến bảo tồn sinh thái khá lớn, nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải.
Ông Ngà cho biết công ty đã đầu tư trang trại 72 ha cho công suất 1,2 triệu gà mái đẻ và 400.000 gà con hậu bị; trong đó, hoạt động sản xuất được sử dụng chỉ chiếm 15 ha, phần lớn diện tích còn lại để doanh nghiệp trồng cây xanh hướng đến bảo tồn sinh thái.
“Để làm được điều này, chúng tôi dự kiến đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho toàn dự án. Vậy nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải”, ông Ngà nói.
Không thể phủ nhận, phát triển nông nghiệp xanh, chăn nuôi xanh là xu thế chung mang tính bắt buộc của thời đại. Người trồng trọt, chăn nuôi và doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chơi nếu không muốn bị loại.
Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ cần một lộ trình cụ thể mà còn rất cần sự đồng hành của người tiêu dùng. Đối với các cơ quan chính phủ, cần có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, cùng sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi trong quá trình chuyển đổi là rất cần thiết.