Chuyên gia khuyến nghị mua ba cổ phiếu ngân hàng với tiềm năng tăng giá ấn tượng tới 36%
Nhận định về nhóm cổ phiếu ngân hàng, mới đây, Chứng khoán Vietcap đưa ra khuyến nghị mua 3 cổ phiếu nhà băng với tiềm năng tăng trưởng ấn tượng lên tới 36%...
VN-Index đóng cửa tuần giao dịch vừa qua tại 1.272,04 điểm, tăng 20,33 điểm tương đương +1,62% so với cuối tuần trước đó. Trong đó, ngân hàng là nhóm dẫn dắt chỉ số tăng điểm trong tuần nhiều sự kiện như Fed lần đầu hạ lãi suất 0,5%; đáo hạn phái sinh, ETF cơ cấu gây biến động mạnh trên thị trường.
Cụ thể, nhóm ngân hàng đóng góp tới 8/10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index tuần qua, gồm TCB, CTG, ACB, BID, MBB, VCB, VPB và SSB. Số cổ phiếu này mang về cho chỉ số gần 10.4 điểm. Riêng TCB là cổ phiếu tăng điểm tích cực nhất tuần với hơn 2.3 điểm.
Nhóm ngân hàng tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ thông tin Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm, từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8. Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua.
Nhận định về cổ phiếu ngân hàng, mới đây, Chứng khoán Vietcap đưa ra khuyến nghị mua 3 cổ phiếu nhà băng với tiềm năng tăng trưởng ấn tượng lên tới 36%.
Theo đó, Vietcap khuyến nghị mua VPS giá mục tiêu là 24.500 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 36%. Theo phân tích của Vietcap, VPB dự kiến sẽ ghi nhận mức cải thiện NIM cao nhất trong số các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi của VCI. NIM hợp nhất trong nửa đầu năm 2024 đạt 5,9% (+39 điểm cơ bản YoY). NIM cải thiện so với cùng kỳ quý trước là do chi phí huy động giảm 60 điểm cơ bản so với quý liền kề trước đó do phần lớn các khoản tiền gửi được huy động trong năm 2023 đã được gia hạn với mức lợi suất thấp hơn, tăng trưởng tín dụng mạnh hơn so với tăng trưởng tiền gửi.
Việc lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tiếp tục cải thiện là do sự phục hồi của nhu cầu tín dụng bán lẻ và việc tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm sẽ bù đắp cho áp lực tăng chi phí huy động của VPB trong nửa cuối năm 2024.
Mặc dù VPB ghi nhận LLR ở mức tương đối thấp và tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác, nhóm phân tích vẫn cho rằng cơ sở vốn mạnh và mức NIM hàng đầu của VPB sẽ giúp cho ngân hàng đối phó với các thách thức trong việc quản lý rủi ro.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của SMBC đối với cơ sở vốn, kế hoạch phát triển tệp khách hàng mới (khách hàng FDI) và cải thiện khả năng quản lý rủi ro của VPB, VPB sẽ có thể nắm bắt được các cơ hội phát triển tốt. Vietcap kỳ vọng rằng việc doanh thu tăng trưởng mạnh sẽ bù đắp cho áp lực từ việc trích lập dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản của VPB.
FE Credit (FEC) đã đạt mức hòa vốn trong quý II/2024. VPB cho biết hoạt động giải ngân tín dụng của FEC đã phục hồi với lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 53% so với cùng kỳ. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu cao báo hiệu cho việc áp lực lên chi phí tín dụng sẽ còn ở mức cao, Vietcap vẫn cho rằng tăng trưởng doanh thu, cùng với sự cải thiện của NIM và nhu cầu tín dụng về cuối năm, sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận.
Vietcap tăng 6,1% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 lên 14,2 nghìn tỷ đồng tăng 41%, do chi phí hoạt động kinh doanh (OPEX) giảm 14%, bù đắp cho chi phí dự phòng tăng 5%. VPB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 114% trong năm 2024 so với dự báo năm 2024 của Vietcap là 65%.
Vietcap khuyến nghị mua MBB với giá mục tiêu ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng 30%. MBB có thể duy trì NIM của ngân hàng quanh mức hiện tại sau khi cải thiện mạnh trong quý II. Nhóm phân tích dự báo áp lực giảm lên NIM trong nửa cuối năm 2024 nhờ lãi suất huy động tiền gửi bắt đầu tăng trong giữa năm 2024 và cạnh tranh gay gắt hơn đối với lãi suất cho vay.
Vietcap kỳ vọng tăng trưởng NOII mạnh sẽ bù đắp cho sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước của NIM. Tăng trưởng NOII nửa đầu năm 2024 đạt 73% so với cùng kỳ nhờ thu nhập phí ở mức cao, lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối và đầu tư chứng khoán tăng mạnh, và doanh thu từ việc thu hồi các khoản nợ xấu ở mức cao (+67% YoY).
Ngoài ra, thu nhập phí mảng bancassurance đã cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực và được ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Các chỉ số nợ xấu vẫn sẽ được kiểm soát ổn định trong nửa cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu quý đã giảm xuống mức 1,64% nhờ giải quyết được một trường hợp nợ xấu của một khách hàng doanh nghiệp lớn vào tháng 6. VCI dự báo tỷ lệ nợ xấu năm 2024 sẽ ở mức 1,7%.
Vietcap giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 ở mức 23,3 nghìn tỷ đồng (+11% YoY) vì mức tăng 1% dự báo thu nhập từ HĐKD (TOI) do dự báo tổng thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng bù đắp cho việc dự phóng chi phí trích lập dự phòng tăng 5% với tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dự phòng cao hơn.
Các chuyên gia phân tích của Vietcap cũng kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024 để bù đắp cho mức chi phí tín dụng cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt trong phần còn lại của năm 2024, và MBB sẽ duy trì tỷ lệ CASA ở mức tốt nhất trong ngành nhờ khả năng thu hút khách hàng tốt trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp.
Cuối cùng, Vietcap khuyến nghị mua CTG giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu tương đương với tiềm năng tăng giá 14,3%. Vietcap điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 thêm 2% lên 22,8 nghìn tỷ đồng tăng 14,7% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng dự báo thu nhập ngoài lãi (NOII) thêm 6% với kỳ vọng CTG sẽ ghi nhận các khoản thu hồi từ nợ xấu đã xử lý cao hơn.
Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo cho biết ngân hàng kỳ vọng thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý có thể lên tới 7 nghìn tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ.