Chuyên gia xe điện Trung Quốc: Cuộc cách mạng ngành ô tô đang bước vào giai đoạn mới
C.C. Chan, một nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu xe điện, đã kêu gọi thành lập chuỗi sinh thái nghiên cứu khoa học ở Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area) để tổng hợp tiềm năng đổi mới, tập trung vào chip xe hơi và hệ điều hành.
Xe điện ngày càng trở nên phổ biến khi thế giới đang thúc đẩy việc giảm thiểu lượng khí thải carbon ròng. Trước thực tế này, nhà khoa học kỹ thuật Hong Kong C.C. Chan, một chuyên gia hàng đầu về ô tô điện, tin rằng đã đến lúc cuộc cách mạng ô tô chuyển sang một giai đoạn mới.
"Nửa đầu tiên là điện khí hóa, giờ là lúc bước sang nửa sau, với chip trên xe hơi và hệ điều hành là công nghệ cốt lõi", Chan nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tân Hoa Xã.
Ông nói trong tương lai, ô tô sẽ được chuyển đổi từ phương tiện giao thông truyền thống thành không gian du lịch di động thông minh, hiện thực hóa sự tích hợp của các mạng lưới giao thông, năng lượng, thông tin và văn hóa.
Chan là giáo sư danh dự của Khoa Điện và Điện tử tại Đại học Hong Kong, đồng thời là chủ tịch sáng lập của Hiệp hội Xe điện Thế giới. Năm 1997, ông là người đầu tiên ở Hong Kong được bầu làm Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc.
Đã hơn 40 năm kể từ khi Chan bắt đầu tập trung nghiên cứu về ô tô điện và ông là một trong những người tiên phong của công nghệ này.
Vào tháng 3 vừa qua, Chan đã được trao Giải thưởng Touching China 2022, một giải thưởng hàng năm nhằm công nhận hình mẫu truyền cảm hứng nhất của đất nước tỷ dân ở các khía cạnh khác nhau, ghi nhận những đóng góp nổi bật của ông cho máy điện, hệ thống điện và xe điện.
“Nghiên cứu kỹ thuật nhấn mạnh vào kết quả”, Chan nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D) thành các sản phẩm trong kỹ thuật ô tô điện trong tương lai.
Hiện tại khi ô tô điện có liên quan mật thiết đến việc đi lại hàng ngày của con người, các nhà khoa học không chỉ nên tập trung vào những đột phá trong R&D mà còn phải xem xét nhu cầu và sự chấp nhận của thị trường, Chan nói và chỉ bằng cách này, R&D mới có thể tiến lên.
Năm 1993, Chan thiết kế chiếc ô tô điện đầu tiên của mình mang tên "U2001", với chữ "U" nghĩa là "đoàn kết" và "2001" nghĩa là "hướng tới thế kỷ XXI". Chiếc xe sử dụng năng lượng tích hợp, pin năng lượng cao và hệ thống hỗ trợ lái xe thông minh, với khả năng tăng tốc 6,3 giây/100 km, tốc độ tối đa 110 km/h và phạm vi hành trình 180 km.
Nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm này đã cực kỳ chăm chỉ trong công tác nghiên cứu khoa học của mình. "Nếu bạn tụt lại phía sau, bạn sẽ bị đánh bại”, Chan nói.
Chan sinh năm 1937 trong một gia đình doanh nhân gốc Hoa ở Indonesia. Năm 1953, ở tuổi 16, ông đến Bắc Kinh để học ngành kỹ thuật điện. Sau đó, ông tiếp tục học tại Đại học Hong Kong, sau đó ông nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Điện năm 1982. Từ đó đến nay, ông tiếp tục tham gia giảng dạy và nghiên cứu sâu về xe điện.
Chan được biết đến là một trong những người đã tích hợp một cách sáng tạo ô tô, động cơ, điều khiển và các công nghệ khác vào một nghiên cứu liên ngành mới, đặt nền móng cho lý thuyết xe điện hiện đại.
Đồng thời, ông đã có những đóng góp xuất sắc cho việc đổi mới pin xe điện, hệ thống điều khiển điện tử và các công nghệ cốt lõi khác, trở thành người dẫn đường cho công nghệ xe điện của Trung Quốc.
Mặc dù Chan đến nay đã 86 tuổi, nhưng ông có đầu óc nhanh nhạy, trí nhớ tuyệt vời và nhận thức rõ về quá trình phát triển khoa học và công nghệ quan trọng của Trung Quốc.
“Tôi tổng kết 3 điều chưa từng có, đó là nhu cầu cấp thiết về khoa học công nghệ của đất nước, sự quan tâm và kỳ vọng của đất nước đối với các nhà khoa học, cơ hội để các nhà khoa học đóng góp cho đất nước và thế giới”, ông Chan nhấn mạnh.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc hỗ trợ rõ ràng cho sự phát triển của Hong Kong như một trung tâm đổi mới và công nghệ quốc tế. Hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ ở Hong Kong đã được đưa ra trong những năm gần đây.
Chan cho rằng Hong Kong mạnh về nghiên cứu cơ bản nhưng tương đối yếu về ứng dụng. Ông chỉ ra mỗi thành phố trong Khu vực Vịnh Lớn đều có những lợi thế riêng. Ví dụ, Thâm Quyến có một số lượng lớn các doanh nghiệp đổi mới, trong khi Đông Quản có một hệ thống xử lý hỗ trợ hoàn chỉnh.
Chan cho biết: “Để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh tổng thể của khoa học và đổi mới trong Khu vực Vịnh Lớn, cần thiết lập chuỗi sinh thái nghiên cứu khoa học, tập trung vào chia sẻ tài nguyên và tăng cường hợp tác”.
"Các nhà khoa học phải tìm ra các quy luật tự nhiên vì lợi ích của nhân loại. Trong nghiên cứu khoa học tìm kiếm, chúng ta cần có tư duy cầu tiến", ông nói thêm. "Khi đã tìm ra hướng đi đúng, chúng ta phải kiên trì đến phút cuối cùng”.