Chuyện về một nhà khoa học Trung Quốc đam mê làm… startup
Chen Xi là một trong số ít doanh nhân xuất thân là nhà khoa học. Quyết định rời khỏi công việc nghiên cứu, Chen Xi xin việc ở các startup và cuối cùng đã thành lập startup của riêng mình…
Chen Xi theo học tại nhiều ngôi trường nổi tiếng cả trong nước lẫn ngoài nước, dốc hết tâm huyết phục vụ khoa học. Trong các bài báo về học thuật của mình, ông từng viết: “Nghiên cứu khoa học phải được triển khai trong thực tế để phục vụ xã hội, mang lại giá trị cho xã hội”.
Sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, Chen Xi quyết định chuyển sang…kinh doanh. Ông học hỏi kinh nghiệm ở những công ty đi trước và thành lập Chengyuan Bio, công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ tổng hợp gen và giải mã hệ thống miễn dịch.
KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI TRÊN CON ĐƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Ban đầu, Chen Xi liên tục xin vào làm việc tại các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học, các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ mới để học hỏi kinh nghiệm. Cũng chính trong khoảng thời gian này, sau khi tiếp xúc với nhiều dự án về hệ miễn dịch, ông luôn đau đáu câu hỏi: “Làm thế nào để các chuỗi kháng thể hoặc TCR (Tế bào trình diện kháng nguyên) có thể ghép cặp với thông lượng cao?” Thông lượng cao là thuật ngữ tổng hợp sử dụng để mô tả một số công nghệ giải trình tự hiện đại.
Năm 2017, Chen Xi và một số người bạn cùng chí hướng thành lập Chengyuan Bio ở Boston, công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu phát triển công nghệ tổng hợp gen và giải mã hệ thống miễn dịch.
Sau khi thành lập, Chengyuan Bio nhanh chóng phát triển một nền tảng riêng có tên gọi PathFinder. Nền tảng này đã ghép thành công hàng nghìn cặp gen song song, hiện thực hóa việc tích hợp gen dài (tức gen trên 1kb). Điều đáng nói, khi sử dụng PathFinder, chi phí phải chi trả thấp hơn các công nghệ hiện dùng trên thế giới.
Nền tảng công nghệ tiên tiến này không chỉ được sử dụng để giải quyết các khó khăn trong quá trình nghiên cứu thuốc mới mà còn giúp khai thác giá trị tiềm năng ở rất nhiều lĩnh vực khác.
Năm 2021 vừa qua, Chengyuan Bio đã thu hút gần 50 triệu USD tiền tài trợ đến từ Yunjiu Capital và CDH Investments trong vòng series B.
Không chỉ Chengyuan Bio, các công ty khởi nghiệp của các nhà khoa học đang ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ từ thị trường vốn. Khi được hỏi về sự phát triển của Chengyuan Bio trong tương lai, Chen Xi cho biết tiếp tục dẫn dắt công ty phát triển công nghệ tổng hợp gen thông lượng cao để nâng cao các phương pháp điều trị hệ miễn dịch.
“Chúng tôi mong rằng công nghệ sẽ trở thành phương pháp điều trị mới của các khối u rắn như ung thư phổi, ung thư trực tràng, ung thư gan,... giúp bệnh nhân kéo dài sự sống”, ông nói.