Cơ hội “mở cánh cửa” xuất khẩu ra thị trường xe hơi thế giới của ô tô Việt
Năm 2022, ngành ô tô Việt đã có những dấu ấn đáng nhớ. Đặc biệt với sự kiện xuất khẩu VinFast VF 8 sang Mỹ hay TC Motor mở rộng thêm nhà máy thứ 2 ở Ninh Bình đã tiếp tục thắp lên hy vọng tươi sáng cho ngành ô tô Việt trong năm 2023 và những năm sắp tới.
Doanh nghiệp ô tô Việt chuyển mình
Bất kì hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới muốn đạt được thành công đều phải nhắm tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Thực tế đã chứng minh điều này. Xuất khẩu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh để phát triển trước các đối thủ khác.
Mặc dù so với các nước trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ bé nhưng vẫn có những thuận lợi để làm ô tô xuất khẩu. Hoà cùng dòng chảy của thế giới, doanh nghiệp Việt cho thấy đang bắt kịp các xu hướng về ô tô.
Có thể thấy rất rõ điều này qua sự kiện VinFast lần đầu tiên đã mở ra một chương mới cho lịch sử ngành sản xuất ô tô Việt Nam khi xuất khẩu 999 chiếc VinFast VF 8 sang thị trường lớn thứ 2 thế giới là Mỹ vào tháng 11 vừa qua. Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Tại sự kiện được đánh giá có tính bước ngoặt của ngành ô tô Việt này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá: “Đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt, là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt chính thức góp mặt vào thị trường ô tô toàn cầu. VinFast dù đi sau trong lĩnh vực sản xuất ô tô trên thế giới, nhưng có một lợi thế rất lớn là đã nhanh chóng tiếp cận ngay các công nghệ mới nhất, tự động hoá nhất, thông minh nhất, cách tiếp cận khách hàng khác biệt nhất cùng với việc tập hợp được nhiều nhân tài toàn cầu cho phát triển. Đây chính là điểm khác biệt làm nên sự thành công bước đầu ngày hôm nay của thương hiệu Việt Nam VinFast”.
Trước đó, năm 2020, Công ty Trường Hải đã từng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan 1.407 xe nguyên chiếc các loại, đạt kim ngạch gần 50 triệu USD. Trong đó, Thaco Trường Hải xuất khẩu sang Thái Lan 80 xe du lịch Kia Grand Carnival. Đây là câu chuyện “lội ngược dòng” đáng chú ý vì hầu hết xe du lịch nhập khẩu vào thị trường Việt Nam là từ Thái Lan. Trước đó, vào tháng 12/2019 doanh nghiệp này đã đưa 120 chiếc Kia Cerato sang Myanmar. Đầu tháng 1/2020, THACO tiếp tục xuất khẩu thêm xe buýt mang thương hiệu Việt tới thị trường Philippines. Thaco cũng xuất khẩu sang Mỹ 33 sơmi rơmoóc còn lại trong hợp đồng 69 sơmi rơmoóc cung cấp cho đối tác PITTS Enterprises.
Với Ford Việt Nam, sau khi nâng công suất lên 40.000 xe/năm, công ty này đã xuất khẩu những mẫu xe EcoSport, Transit, Tourneo đầu tiên sang một số thị trường trong khu vực.
TC Motor cũng là một doanh nghiệp có nhiều tiềm năng và tham vọng xuất khẩu ô tô Việt tới các nước trong ASEAN. Hiện TC Motor đã chuyển dịch dần sang lắp ráp gần như tất cả mẫu xe Hyundai đáng bán tại Việt Nam. Sau nhà máy đầu tiên tại Ninh Bình có diện tích hơn 100 ha, công suất 70.000 xe/năm, nhà máy số 2 của TC Motor được đặt tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, Gia Viễn, Ninh Bình vừa khởi động trong năm 2022 dự kiến có công suất 100.000 xe/năm, nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại Việt Nam sẽ vượt 170.000 xe/năm. Lãnh đạo của Tập đoàn này mặc dù chưa khẳng định về kế hoạch xuất khẩu ra thị trường ngoài nước nhưng hy vọng rằng dự án sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, cũng như xây dựng nên nền công nghiệp tô Việt Nam trở nên vững mạnh hơn trong tương lai.
Cơ hội của ngành ô tô Việt
Thực tế, giấc mơ vươn tầm biển lớn trong khu vực và thế giới của các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam vẫn chưa bao giờ “nguội” dù còn hết sức nhỏ bé. Trong năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, quy mô thị trường đã đạt được những cột mốc mới. Mặc dù chưa có báo cáo cả năm của VAMA nhưng gần như chắc chắn thị trường ô tô Việt có thể chạm và vượt ngưỡng tiêu thụ 500.000 xe/năm. Đây được xem là mốc quan trọng đối với thị trường ô tô Việt Nam để khẳng định nước ta không còn là “vùng trũng” của khu vực Đông Nam Á.
Cũng trong năm 2022, một sự kiện đáng chú ý nữa mang lại sự thay đổi bộ mặt của ngành ô tô Việt đó là Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.
Việc bãi bỏ các quy định trên ánh hưởng rất lớn đến ngành ô tô Việt Nam bởi không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.
Trước đó, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hơn nữa, việc ký kết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như ATIGA, CPTPP, EVFTA… là cơ hội để các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn.
Bên cạnh đó, với các Hiệp định thương mại đã ký kết mà Việt Nam đã tham gia thì ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN sẽ là cơ hội lớn, doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tận dụng triệt để nuôi tham vọng xuất khẩu ô tô Việt ra các nước. Tuy nhiên, để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô nguyên chiếc với số lượng lớn, hoà cùng vào “sân chơi” của khu vực và thế giới giống Thái Lan hay Indonesia, sản phẩm của Việt Nam làm ra cần phải đạt chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Đó là những thách thức không nhỏ.
*Tiếp theo: Những thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu ra thế giới