Cơ hội mở rộng thị trường của ô tô nhập khẩu EU vào Việt Nam
Cạnh tranh ngày càng gia tăng, các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu đang tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2024 sẽ là thời điểm phù hợp để mở rộng thị trường khi thuế nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh.
Sức ép từ “làn sóng” xe điện Trung Quốc
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sang châu Âu trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ô tô điện hóa đã tăng từ 621,5 triệu USD (năm 2019) lên 15,47 tỷ USD (năm 2022). Tính riêng 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc sang châu Âu đã đạt 13,12 tỷ USD. Lý do bởi xe điện Trung Quốc có mức giá rất rẻ so với mặt bằng chung, cộng thêm mức thuế suất thuế nhập khẩu vào châu Âu khá thấp. Bên cạnh đó, theo thống kê, vòng đời trung bình của một chiếc ô tô tại châu Âu là 10,8 năm đối với xe con; thậm chí tại một số quốc gia Tây Âu còn thấp hơn. Điều này đang tạo sức ép rất lớn cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu.
Năm 2022, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã ra phán quyết ủng hộ việc giảm 100% khí thải CO2 trên xe mới kể từ năm 2035. Điều này có nghĩa xe dùng động cơ nhiên liệu xăng hoặc dầu sẽ không được xuất hiện trên toàn lãnh thổ EU. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô hoàn toàn có thể chuyển hướng các dòng xe dùng động cơ đốt trong sang các quốc gia có mốc thời gian “net zero” chậm hơn như khu vực Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trên thực tế, một số hãng xe đang tăng cường sự hiện diện của mình khi đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại nước thứ ba nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển và tận dụng ưu đãi từ chính sách của nước sở tại.
Tại Việt Nam, những mẫu xe sang thương hiệu từ châu Âu như Mercedes-Benz, BMW, Porsche, Audi, Landrover đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng từ hàng chục năm nay. Trong đó, Mercedes-Benz, BMW đang ngày càng đẩy mạnh chuyển đổi từ xe nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất, lắp ráp trong nước.
Mới đây nhất, theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa TC Motor và Skoda Auto (Cộng hòa Séc), một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh với diện tích 36,5ha, công suất 120.000 xe/năm. Theo lộ trình, năm 2023-2024, TC Motor sẽ nhập khẩu 4 mẫu xe về Việt Nam, gồm Kodiaq, Karoq, Superb và Octavia. Từ năm 2025, các mẫu xe mới gồm Kushaq, Slavia và Enyaq IV sẽ bắt đầu được lắp ráp tại Việt Nam.
Thuế nhập khẩu giảm gần 7%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2023, Việt Nam nhập khẩu 6.500 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 165 triệu USD. Lũy kế cả năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu gần 117.800 ô tô nguyên chiếc, giá trị ước đạt hơn 2,8 tỉ USD. Trong đó, Thái Lan, Indonesia là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 80% thị phần; 20% còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Mỹ...
Lý do khiến Thái Lan và Indonesia chiếm đa số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam là nhờ ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2022 - 2027, áp dụng cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô. Trong khi đó, xe nhập khẩu từ châu Âu bị áp thuế nhập khẩu 44,5% (năm 2023). Do đó, nhiều hãng xe lựa chọn “đi đường vòng”, đó là sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, sau đó nhập về Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Cụ thể, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Ví dụ, một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với thời điểm năm 2023. Số tiền thuế còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...
Bên cạnh đó, từ 1/8/2025, thời điểm sau 5 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, một số quy định ưu đãi về thông quan hàng hóa gồm xe nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng từ EU vào Việt Nam sẽ được áp dụng. Cụ thể, trong vòng 7 năm kế tiếp, Việt Nam sẽ chấp nhận Chứng nhận hợp chuẩn cho toàn xe hợp lệ của Ủy ban châu Âu.
Trong lần nhập khẩu đầu tiên kiểu loại xe đó, phải kèm theo chứng nhận kiểu loại toàn xe tương ứng hợp lệ của Ủy ban châu Âu; trong các lần nhập khẩu tiếp theo kiểu loại xe đó, Chứng nhận sự phù hợp cho xe nguyên chiếc hợp lệ của Ủy ban châu Âu sẽ được xem là chứng cứ đầy đủ cho việc có chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc hợp lệ của Ủy ban châu Âu. Khi có Chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc quốc tế UNECE đối với phương tiện cơ giới, Việt Nam sẽ thông báo cho Liên minh về việc Việt Nam có tiếp tục chấp nhận Chứng nhận sự phù hợp xe nguyên chiếc còn hiệu lực của Ủy ban châu Âu như một lựa chọn thay cho Chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc quốc tế UNECE hợp lệ đối với một kiểu loại xe cụ thể.
Đối với dòng xe “thuần” điện (BEV), các mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu từ EU cũng được giảm thuế TTĐB từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến 28/2/2027. Từ 01/3/2027, thuế TTĐB được điều chỉnh lên 11%. Đồng thời, xe BEV cũng được hưởng ưu đãi, giảm 100% lệ phí trước bạ, áp dụng đến 28/2/2027. Từ 01/3/2027, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô điện so với mức thu của các loại xe dùng động cơ đốt trong có cùng số chỗ ngồi.
Có thể thấy, cơ hội dành cho các hãng xe nhập khẩu từ EU tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng rộng mở trong vài năm tới. Đặc biệt, với các nhà sản xuất đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ. Điều này sẽ khiến thị trường ô tô Việt Nam ngày càng sôi động và người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu đi lại của cá nhân và gia đình.