Có một Amazon dưới thời Andy Jassy rất khác…
Trong suốt 25 năm thành lập và phát triển, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã hoạt động theo một câu thần chú duy nhất: tăng trưởng quan trọng hơn lợi nhuận…

Nhà sáng lập Jeff Bezos đã đưa ra chiến lược đó lần đầu tiên vào năm 1997. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra quyết định đầu tư dựa trên những cân nhắc dẫn đầu thị trường dài hạn thay vì lợi nhuận hoặc phản ứng ngắn hạn từ Phố Wall", ông Bezos viết.
Tuy nhiên, trải qua gần hết năm 2022, rõ ràng cục diện đã thay đổi. Ông Andy Jassy, người tiếp quản vị trí CEO Amazon từ tháng 7 năm 2021, đã thực hiện nhiều chính sách cắt giảm chi phí để bảo toàn ngân sách trong bối cảnh Amazon đang gặp nhiều vấn đề với doanh số bán hàng chậm lại và nền kinh tế toàn cầu ảm đạm. Cổ phiếu công ty đã giảm 33% trong năm và có thể trở thành con số tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG BỐI CẢNH KHÓ KHĂN
Trong những tháng gần đây, Amazon đã ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, trục xuất robot giao hàng lưu động, đóng cửa các điểm giao dịch truyền thống hoạt động kém hiệu quả và hủy bỏ hoặc trì hoãn một số địa điểm nhà kho mới. Amazon cũng đã xem xét giảm đáng kể quy mô của các phòng thí nghiệm, theo CNBC. Công ty cũng đang đóng băng tuyển dụng nhiều vị trí trong hoạt động kinh doanh bán lẻ. Quy mô các sự kiện thường niên cũng hạn chế hơn nhiều so với các năm trước đó.
"Amazon dường như quan tâm nhiều hơn một chút đến lợi nhuận của họ", chuyên gia Tom Forte, một nhà phân tích tại D.A. Davidson, cho biết.
CEO Jassy đã đề cập đến những nỗ lực gần đây nhằm kiềm chế chi phí tại cuộc họp toàn cầu của Amazon vào đầu tuần.
Nhưng Amazon không đơn độc trong thời kỳ khó khăn. Những gã khổng lồ công nghệ khác như Meta và Alphabet cũng đã và đang thực hiện cắt giảm chi phí, phản ánh một môi trường kinh doanh đầy thách thức và sự suy giảm đáng kể sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ đã tuyên bố sa thải, đóng băng tuyển dụng hoặc hạ thấp mục tiêu tuyển dụng trong những tháng tới.
Điều này không tương đương với việc Amazon phải “hãm phanh” tất cả các khoản chi tiêu mới. Công ty đã mua lại nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe One Medical với giá 3,9 tỷ USD, nhà sản xuất Roomba iRobot với giá 1,7 tỷ USD và công ty robot kho hàng Cloostermans của Bỉ với số tiền không được tiết lộ. Công ty cũng cho biết sẽ chi khoảng 1 tỷ USD trong năm tới cho việc tăng lương và mở rộng phúc lợi cho nhân viên tuyến đầu, đồng thời có kế hoạch bổ sung 150.000 nhân viên nhằm hỗ trợ quản lý cơn sốt đặt hàng trong các kỳ nghỉ lễ.
"Có rất nhiều sản phẩm mà chúng tôi đang tập trung đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư", CEO Jassy tuyên bố. Trợ lý ảo Alexa, Prime Video và các mặt hàng thiết yếu là những hạng mục mà Amazon sẽ tiếp tục mạnh tay chi tiêu. "Kim chỉ nam của Amazon trong thời gian này là cân bằng các khoản đầu tư dài hạn và đặt cược vào trải nghiệm khách hàng vì chúng tôi tin rằng đó là tương lai của công ty".
Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” gần đây đã đặt ra một dấu hỏi lớn. Liệu đây sẽ là sự thay đổi vĩnh viễn trong chiến lược của Amazon hay chỉ là một chính sách tạm thời nhằm đối phó nền kinh tế khủng hoảng.
HAI NHÀ LÃNH ĐẠO, HAI THỜI KỲ PHÁT TRIỂN KHÁC NHAU
Cựu CEO Bezos đã xây dựng danh tiếng là một doanh nhân không sợ hãi, sẵn sàng đặt cược rủi ro lớn. Thành công nhất phải kể đến thương vụ Amazon Web Services (AWS), đơn vị điện toán đám mây được ra mắt vào năm 2006, CEO Jassy là người đứng đầu AWS cho đến khi được thăng chức vào năm ngoái.
Các dự án gần đây hơn dưới thời ông Bezos bao gồm robotaxi tự lái, cửa hàng không thu ngân và máy bay giao hàng không người lái, tất cả đều nhằm mục đích giúp cuộc sống của khách hàng trở nên thuận tiện hơn.
Tỷ phú Bezos cũng đã “trục xuất” rất nhiều sản phẩm không thành công sau khi ra mắt. Ví dụ như Fire Phone, điện thoại thông minh đầu tiên của Amazon đã ngừng sản xuất vào năm 2015, một năm sau khi ra mắt. Những nỗ lực khác với thời hạn sử dụng ngắn bao gồm dịch vụ giao hàng nhà hàng, dịch vụ bán vé, trang web đấu giá và cửa hàng rượu vang trực tuyến.
"Họ hoàn toàn không ngại loại bỏ bất cứ sản phẩm nào đó không hiệu quả", Craig Berman, cựu phó chủ tịch Amazon phụ trách truyền thông toàn cầu, cho biết. "Đó chưa bao giờ là vấn đề đối với công ty trong quá khứ."
Với tư cách là người đứng đầu AWS, CEO Jassy từng bước lãnh đạo “gà đẻ trứng vàng” của Amazon, điều này đã mang lại cho công ty nguồn lực để đầu tư vào nhiều dự án khác. Nhưng kể từ khi tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của công ty mẹ, Jassy đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như lạm phát, thiếu hụt nguồn cung và những cuộc nổi dậy của nhân viên.
KẾ HOẠCH SẮP TỚI
Vào tháng 7, Amazon đã báo cáo quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng doanh thu một con số, phần lớn là do nhu cầu suy yếu trong hoạt động kinh doanh cửa hàng trực tuyến cốt lõi của công ty.
Amazon đã cắt giảm số lượng nhân viên xuống còn 99.000 người từ con số 1,52 triệu ghi nhận vào cuối quý II sau khi tăng gần gấp đôi quy mô trong thời kỳ đại dịch.
Với nguy cơ suy thoái đang gia tăng, Amazon có thể sẽ xem xét việc cắt giảm hơn nữa các khoản đầu tư nếu doanh thu đợt nghỉ lễ yếu hơn dự đoán, một cựu giám đốc Amazon chia sẻ với CNBC.
Người phát ngôn của Amazon cho biết trong một tuyên bố rằng công ty liên tục đánh giá "tiến độ và tiềm năng của các sản phẩm và dịch vụ để mang lại giá trị cho khách hàng và thường xuyên thực hiện các điều chỉnh dựa trên những đánh giá đó".
SA THẢI HÀNG LOẠT KHÓ CÓ THỂ XẢY RA
Tuy nhiên, đừng mong đợi việc Amazon sa thải hàng loạt ngay cả khi công ty cắt giảm chi tiêu hoặc rút khỏi một số dự án.
Khi Amazon quyết định đóng cửa một doanh nghiệp, công ty thường cung cấp cho nhân viên cơ hội xin việc ở một nơi khác trong hệ thống, một số nhân viên cũ nói với CNBC. Họ thường có một khoảng thời gian từ một đến ba tháng để tìm kiếm một vai trò khác và có cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác nhau trong thời gian đó.
"Amazon sẽ không để những tài năng giỏi ra đi", bà Andrea Leigh, cựu giám đốc điều hành Amazon, người đã dành gần một thập kỷ làm việc tại công ty, cho biết.
Nhưng các nhân viên vẫn có thể bị mất việc làm. Sau khi Amazon thông báo ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care, công ty cho biết 159 nhân viên có thể bị sa thải. 236 nhân viên khác sẽ được cho nghỉ việc khỏi Care Medical, một công ty độc lập đã được Amazon ký hợp đồng để điều trị cho bệnh nhân đăng ký Amazon Care.