Công nghệ Mỹ - Mục tiêu của Trung Quốc và châu Âu trong cuộc chiến thuế quan
Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ đang trở thành mục tiêu của các quốc gia muốn đáp trả các biện pháp thuế quan từ Washington…
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/11/2a-3.jpg)
Ngành công nghệ Mỹ đã trở thành một đồng minh của Tổng thống Donald Trump, một phần vì hy vọng người lãnh đạo này sẽ bảo vệ lợi ích của họ ở nước ngoài. Thế nhưng, chính điều này cũng khiến các doanh nghiệp công nghệ trở thành mục tiêu của các quốc gia muốn đáp trả những biện pháp thuế quan của Mỹ.
Sau khi chính quyền của ông Trump ra lệnh áp thuế 10% mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do là nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy, thông tin từ Bloomberg cho biết, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đang chuẩn bị mở cuộc điều tra có thể nhắm vào các hoạt động của Apple.
Theo báo cáo đó, Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước của Trung Quốc đang xem xét khoản phí 30% của Apple đối với các giao dịch mua hàng trong ứng dụng, cũng như hạn chế kho ứng dụng với bên thứ ba cũng như dịch vụ thanh toán ngoài.
Những vấn đề này đã từng bị xem xét ở các thị trường khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu – nơi Đạo luật Thị trường kỹ thuật số gần đây đã buộc Apple phải mở cửa một phần hệ sinh thái.
Bên cạnh các biện pháp trả đũa bằng thuế quan đối với nhiên liệu hóa thạch, máy móc và phương tiện từ Mỹ, Trung Quốc cũng phản ứng với vòng thuế quan mới nhất của Washington bằng cách mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, mặc dù các chi tiết cụ thể về cáo buộc hiện vẫn còn ít.
Các học giả Trung Quốc cho rằng, cuộc điều tra có liên quan đến các hạn chế mà Google áp đặt lên các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc. Google không cung cấp dịch vụ tiêu dùng tại Trung Quốc, nhưng mảng quảng cáo của hãng vẫn có mặt tại thị trường này.
PHẢN ỨNG TỪ CHÂU ÂU
Châu Âu đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với công ty công nghệ Mỹ nếu ông Trump sử dụng thuế quan như một công cụ gây áp lực.
Vị Tổng thống của nước Mỹ trước đó từng tuyên bố rằng, thuế quan "chắc chắn sẽ được áp đặt đối với Liên minh châu Âu", và nhiều người nghi ngờ rằng mục tiêu của biện pháp này là ép EU cho phép Mỹ tiếp quản Greenland, hoặc giảm bớt áp lực pháp lý đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Washington.
Giám đốc chính sách mới của Meta – ông Joel Kaplan ngay sau đó đã nhắc lại quan điểm của CEO Mark Zuckerberg rằng, các khoản phạt mà EU áp lên các tập đoàn công nghệ lớn, chẳng hạn như khoản phạt chống độc quyền 840 triệu USD gần đây đối với Facebook Marketplace của Meta, thực chất là "một loại thuế hoặc thuế quan đối với các công ty Mỹ”. Hồi tháng Một, ông Zuckerberg đã kêu gọi ông Trump can thiệp để ngăn EU tiếp tục áp đặt các khoản phạt như vậy.
Ủy ban châu Âu đang xem xét sử dụng cơ chế "chống ép buộc" nhằm đáp trả loạt thuế quan mới mà Mỹ dự kiến áp đặt. Cơ chế này được đưa ra vào năm 2023 và từng được triển khai để ngăn chặn các hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc.
Công cụ này sẽ cho phép EU hạn chế khả năng hoạt động của các công ty công nghệ Mỹ tại thị trường châu Âu, đồng thời, áp đặt giới hạn đối với "các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ". Tờ Fortune đã yêu cầu Ủy ban châu Âu làm rõ cơ chế này có thể áp dụng ra sao trong thực tế, nhưng cơ quan này từ chối bình luận.
Luật sư thương mại Simon Lester, chuyên gia tại Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice, chia sẻ với Fortune rằng, có thể các nước đang nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn vì đây là "những viên ngọc quý" của Mỹ, và cũng có thể vì những công ty này đã liên minh với ông Trump.
"Về hướng đi của mọi thứ, tất cả chúng ta đều đang cố gắng đoán xem ông Trump thực sự đang quan tâm nhất đến điều gì", Lester nói. "Đó là xóa bỏ thâm hụt thương mại? Tăng nguồn thu từ thuế quan? Hay ép buộc các quốc gia khác thay đổi hành vi? Không ai biết cả!".
Các tuyên bố về thuế quan của ông Trump đang diễn ra một cách hỗn loạn. Chưa đầy một tuần trước, ông tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nhưng sau đó lại tạm hoãn chỉ trong vài ngày sau khi hai nước này nhượng bộ một số điều khoản nhỏ liên quan đến tăng cường an ninh biên giới với Mỹ.
Tuy nhiên, trước khi Mỹ đảo ngược quyết định về thuế quan với Canada, người đứng đầu bang Ontario của Canada, ông Ontario Doug Ford, tuyên bố sẽ "hủy bỏ" hợp đồng vừa được ký kết giữa bang này với Starlink, công ty vận hành vệ tinh thuộc tập đoàn SpaceX của Elon Musk – nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tái tranh cử của Trump.
"Ontario sẽ không làm ăn với những người đang cố gắng phá hủy nền kinh tế của chúng ta", Ford giận dữ tuyên bố. Tuy nhiên, ông sau đó đã tạm dừng biện pháp trả đũa này sau khi ông Trump trì hoãn việc áp dụng thuế quan chống Canada thêm 30 ngày.
Kế hoạch mở rộng của Starlink tại Nam Phi – quê hương của ông Musk – cũng đang gặp nguy cơ bị đình trệ, sau khi chính quyền Trump đe dọa cắt nguồn tài trợ thuốc HIV cho quốc gia này do luật cải cách đất đai gây tranh cãi mới được ban hành.