Công nghiệp TP.HCM: Sản xuất chế biến thực phẩm vẫn phát triển mạnh nhất
Sau gần 50 năm phát triển, ngành chế biến lương thực - thực phẩm lại là ngành phát triển mạnh nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM…
Ngành công nghiệp TP.HCM vẫn nằm trong nền công nghiệp có công nghệ lạc hậu. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất thấp, chỉ 5,4% doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào sản xuất; 1,1% doanh nghiệp sử dụng robot; 2,2% doanh nghiệp sử dụng in 3D; 0,5% doanh nghiệp sử dụng công nghệ thực tế tăng cường vào sản xuất…
GIÁ TRỊ GIA TĂNG THẤP
Tại hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sở Công thương TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức ngày 26/4/2023, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận mặc dù ngành công nghiệp của thành phố luôn có những đổi mới, tiếp cận sự phát triển trong suốt 50 năm qua, nhưng đến thời điểm hiện nay, vẫn nằm trong nền công nghiệp có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp...
Những biểu hiện này không chỉ xuất hiện trong từng cơ sở sản xuất của tư nhân mà còn biểu hiện ở cả những doanh nghiệp lớn đang sản xuất tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp mới của thành phố chưa được đầu tư và phát triển đúng mức, như: công nghiệp thời trang, dược, điện ảnh, văn hóa cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các nhà sản xuất lớn chưa được đầu tư phát triển hiệu quả…
Số liệu của HIDS cho thấy, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành công nghiệp đạt trung bình 7,8%; cơ cấu giá trị gia tăng 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; và chế biến lương thực - thực phẩm) trong toàn ngành công nghiệp tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,8% vào năm 2020.
Các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm; Sản xuất đồ uống; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Sản xuất trang phục; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.
Trong những ngành trên, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có doanh thu cao nhất. Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu mặc dù là thế mạnh của thành phố nhưng giá trị khá thấp.
Theo HIDS, tỷ trọng công nghiệp TP.HCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010 công nghiệp TP.HCM chiếm gần 15,4% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%. Đặc biệt, năm 2021, công nghiệp thành phố giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.
Sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM theo hướng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước, điều này phản ánh thành phố không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, trong đó đặc biệt là nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất các dự án sản xuất công nghiệp từ TP.HCM ra các tỉnh xung quanh cũng góp phần giảm tỷ trọng ngành công nghiệp thành phố so với cả nước.
Lao động làm việc ngành công nghiệp trên địa bàn TP.HCM có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 lao động công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giảm bình quân 3,29%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ giảm lao động ca nhất, bình quân giảm 3,34%/năm.
ƯU TIÊN SẢN PHẨM MỚI HAY TRUYỀN THỐNG?
Theo các chuyên gia tại hội thảo, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp TP.HCM là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp bên cạnh việc tái cơ cấu ngành này.
Ngoài ra, cần xã hội hóa và nâng cao chất lượng các trường đại học, cơ sở dạy nghề, viện nghiên cứu.
Các chuyên gia cũng cho rằng định hướng phát triển của TP.HCM đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong giai đoạn sắp tới phải là các sản phẩm mới và các sản phẩm liên ngành, đa ngành, chứ không phải là các sản phẩm truyền thống.
Cần thiết phải tập trung đầu tư cho các ngành, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi. TP.HCM có rất nhiều ngành nghề có thể phát triển nhưng việc dàn trải nguồn lực là không hợp lý.
Theo đó, TP.HCM nên dừng các cơ chế hỗ trợ đối với các ngành công nghiệp cũ, không có tiềm năng phát triển và không chuyển đổi để chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời tăng mức hỗ trợ với các ngành đang thể hiện được bước chuyển đổi hiệu quả.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), doanh nghiệp chính là người làm, còn nhà nước có vai trò định hướng và hỗ trợ. Trong thời gian tới, TP.HCM cần hoàn thiện lại một số danh mục sản phẩm cụ thể trên cơ sở cơ sở dữ liệu khu vực để xem các tiềm năng cần đẩy mạnh và xác định sản phẩm cụ thể.