COP26: Hoan nghênh nhưng thận trọng với thỏa thuận bất ngờ về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc
Mỹ và Trung Quốc vừa công bố một thỏa thuận mới về việc hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc cùng cắt giảm lượng khí metan, dần giảm tiêu thụ than, chuyển đổi sang năng lượng sạch, bảo vệ rừng...
Dù hoan nghênh động thái bất ngờ của hai nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới, các nhà hoạt động vì môi trường và giới chính trị gia cũng tỏ ra thận trọng.
Thỏa thuận khí hậu của Mỹ và Trung Quốc, được công bố bởi ông John Kerry - đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hôm 10/11.
Theo đó, hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ để cắt giảm khí thải, giảm tiêu thụ than cùng các hành động khác ngay trong thập kỷ này để cùng được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt quá 1,5 độ C được nêu trong Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Dù thỏa thuận của Mỹ và Trung Quốc không đi sâu vào chi tiết, các nhà phân tích cho rằng đây là sự công nhận ngầm của Trung Quốc rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang cần được quan tâm khẩn cấp và rằng quốc gia này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến ứng phó với thách thức toàn cầu này.
Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có một cuộc họp trực tuyến sớm nhất vào đầu tuần sau.
Theo ông Giải Chấn Hoa, đặc phối viên viên về khí hậu của Trung Quốc, thỏa thuận trên được thống nhất đưa ra sau khoảng 30 cuộc họp giữa hai bên trong 10 tháng qua. Một nhóm công tác với các thành viên của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ thường xuyên gặp nhau để thảo luận về việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu, ông Giải cho hay.
Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (UN) mô tả động thái của Mỹ và Trung Quốc là “đáng khích lệ” và là bước đi quan trọng. Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho rằng hai cường quốc kinh tế cần có những hành động cụ thể, thay vì chỉ tuyên bố chung chung. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia cũng cho rằng hai bên cần ban hành các chính sách cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận này.
Genevieve Maricle, Giám đốc hành động chính sách khí hậu của Mỹ tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho rằng thỏa thuận này mang lại "hy vọng mới" để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 1,5 độ C. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh phải rõ ràng về những việc hai bên cần làm trong 9 năm tới để đạt các mục tiêu.
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành của Greenpeace, Jennifer Morgan cảnh báo rằng Trung Quốc và Mỹ cần phải thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Còn theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Asia Society – tổ chức nghiên cứu các thỏa thuận về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, dù thỏa thuận trên của Mỹ và Trung Quốc “không có tính đột phá” nhưng cũng là một bước đi lớn.
“Tình hình địa chính trị hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ đang rất tồi tệ, vì vậy có thể nói một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh là động thái quan trọng ở thời điểm này”, ông Rudd nói.
Cũng trong ngày 10/11, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 công bố dự thảo dài 7 trang, trong đó thúc giục các quốc gia tăng cường mục tiêu cắt giảm carbon vào cuối năm 2022, bằng cách đẩy nhanh loại bỏ than và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Dự thảo này đề xuất tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên từ hội nghị COP năm sau.
Theo các chuyên gia, dù đã có khoảng 140 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050, nhưng kế hoạch của các nước tới năm 2030 chưa đủ mạnh để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Tham dự COP26 vào đầu tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam cũng cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Sau 10 ngày làm việc, COP26 dự kiến kết kết thúc vào ngày 12/11.