Cột mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ mà công ty của Warren Buffett vừa thiết lập có gì đặc biệt?
Không giống như các công ty khác trong “câu lạc bộ vốn hóa” nghìn tỷ USD - gồm Apple, Nvidia, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta - Berkshire được biết đến với tư cách một doanh nghiệp tập trung vào “nền kinh tế cũ”...
Berkshire Hathaway, công ty của tỷ phú Mỹ Warren Buffett, đạt mốc vốn hoá 1 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 28/8. Như vậy, Berkshire là doanh nghiệp phi công nghệ đầu tiên đạt tới cột mốc vốn hóa thị trường ấn tượng này.
Cổ phiếu của công ty có trụ sở thành phố Omaha, bang Nebraska - quê nhà của ông Buffett - đã tăng hơn 28% trong năm nay, vượt xa mức tăng 18% của chỉ số S&P 500. Mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD được thiết lập chỉ hai ngày trước khi ông Buffett, người được mệnh danh là “nhà tiên tri xứ Omaha”, tròn 94 tuổi.
Phiên ngày 28/8, cổ phiếu A của Berkshire tăng 0,8%, đạt 696.502,02 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty vượt 1 nghìn tỷ USD.
Mốc vốn hóa này “là một bản tuyên ngôn về sức mạnh tài chính và giá trị kinh doanh” của Berkshire- nhà phân tích Cathy Seifert của công ty nghiên cứu CFRA Research nhận định.
Không giống như các công ty khác trong “câu lạc bộ vốn hóa” nghìn tỷ USD - gồm Apple, Nvidia, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta - Berkshire được biết đến với tư cách một doanh nghiệp tập trung vào “nền kinh tế cũ”. Trong “đế chế” đa lĩnh vực này, có những công ty con như đường sắt BNSF Railway, bảo hiểm Geico Insurance, và nhà sản xuất các sản phẩm sữa Dairy Queen. Dù vậy, cổ phần lớn trong hãng công nghệ Apple là một động lực đưa Berkshire đạt tới mốc vốn hóa hiện nay.
Ông Buffett - Chủ tịch kiêm CEO của Berskshire - giành quyền kiểm soát khi công ty còn là một nhà máy dệt bên bờ vực phá sản vào thập niên 1960. Bằng tài kinh doanh thiên bẩm, ông đã đưa Berkshire trở thành một công ty khổng lồ trải rộng khắp các mảng kinh doanh từ bảo hiểm, đường sắt, bán lẻ, sản xuất cho tới năng lượng, kèm theo một bảng cân đối kế toán và lượng dự trữ tiền mặt mà các công ty lớn khác khó bì kịp.
“Ông Buffett và đội ngũ quản lý của ông ấy, cũng như các doanh nghiệp ‘kinh tế cũ’… là những gì đã góp phần làm nên Berkshire. Tuy nhiên, các công ty này vẫn đang có mức định giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với các công ty công nghệ. Ngoài ra, Berkshire đã đạt được thành tựu ngày hôm nay thông qua cấu trúc công ty đa lĩnh vực (conglomerate) - một mô hình bị xem là cũ kỹ - vì trong những thập kỷ qua, các công ty lớn đều đã dịch chuyển theo hướng chuyên môn hóa vào từng lĩnh vực cụ thể”, nhà phân tích Andrew Kligerman của TD Cowen nhận định.
Phó chủ tịch phụ trách các mảng kinh doanh phi bảo hiểm của Berkshire, ông Greg Abel, đã được xác định là người kế nhiệm Buffett. Tại đại hội thường niên Berkshire năm nay, ông Buffett nói rằng ông Abel, 62 tuổi, sẽ là người ra quyết định cuối cùng trong các kế hoạch đầu tư của Berkshire khi nhà đầu tư huyền thoại không còn điều hành nữa.
Gần đây, Buffett chuyển sang chiến lược phòng thủ, bán ra một lượng lớn cổ phiếu, bao gồm một nửa số cổ phiếu Apple trong danh mục của Berkshire. Vì lý do này, lượng tiền mặt của Berkshire tăng lên mức kỷ lục 277 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 6.
Dù Buffett không bao giờ đưa ra các dự báo về thị trường hay khuyên nhà đầu tư nên mua hay bán cổ phiếu, những động thái gần đây của ông được một số nhà đầu tư xem là tín hiệu cảnh báo. Họ cho rằng ông đã nhận thấy điều gì đó không ổn lắm về nền kinh tế và mức định giá cổ phiếu trên thị trường.
Bởi vậy, rất khó để đánh giá xem tại sao nhà đầu tư trao cho Berkshire “chiếc vương miện” vốn hóa nghìn tỷ USD. Liệu đó là một sự đặt cược vào nền kinh tế Mỹ hay đặt cược rằng lượng tiền mặt khổng lồ của Berkshire sẽ mang lại thu nhập đều đặn trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn? Chưa ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này.
Nhà phân tích Brian Meredith dự báo giá trị vốn hóa thị trường của Berkshire sẽ tiếp tục vượt xa mốc 1 nghìn tỷ USD. Ông cho rằng mức giá cổ phiếu A của công ty này sau 12 tháng tới sẽ đạt 759.000 USD/cổ phiếu, tăng 9% so với mức hiện tại.
Cổ phiếu A của Berkshire thuộc hàng cổ phiếu đắt nhất ở Phố Wall, với mức giá hiện nay của mỗi cổ phiếu tương đương 68% giá trung vị của một ngôi nhà ở Mỹ. Đó là bởi ông Buffett chưa bao giờ chia tách cổ phiếu này, với quan điểm cho rằng giá cổ phiếu cao sẽ thu hút và giữ chân được nhiều nhà đầu tư dài hạn và chú trọng chất lượng hơn. Ông từng nói nhiều cổ đông Berkshire xem cổ phiếu của họ là một tài khoản tiết kiệm.
Dù vậy, Berkshire đã phát hành cổ phiếu B vào năm 1996 với mức giá bằng 1/30 so với cổ phiếu A, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ muốn nắm một phần Berkshire.