CPI 8 tháng tăng 2,58%, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động lạm phát
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm được ghi nhận ở mức 2,58% song theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nền kinh tế hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023…
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, lạm phát 8 tháng năm 2022 vẫn được kiểm soát ở mức 2,58%, làm giảm áp lực các chi phí đầu vào.
CPI ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Cụ thể, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt (trong đó có 8 đợt giảm giá) làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6/2022, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm theo biến động giá nhiên liệu thế giới và do tác động của việc Nhà nước giảm thuế đối với xăng dầu. Từ ngày 21/6/2022, giá xăng A95 ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezen ở mức 30.010 đồng/lít đã giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít trong tháng 8/2022.
“Đà giảm giá xăng dầu là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022”, bà Oanh nhận định.
Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư cũng được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023 như lộ trình trước đó, thậm chí các địa phương còn miễn, giảm học phí trong thời gian vừa qua để chia sẻ khó khăn cho người dân đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục bình quân 8 tháng đầu năm giảm 3,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm.
Với giá dịch vụ y tế, năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên việc này đã được hoãn lại trong đại dịch. Thêm vào đó, giá điện của EVN cũng chưa tăng giá và EVN đã chủ động đề xuất không tăng giá điện trong năm nay mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao.
Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, chiếm quyền số khoảng 1/4 trong rổ hàng hàng hóa.
CÒN NHIỀU YẾU TỐ TIỀM ẨN
Với mức CPI 2,58% trong 8 tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng Việt Nam còn dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như Quốc hội đề ra.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023”, bà Oanh nhận định.
Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế.
Thứ hai, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt và khi kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Thứ ba, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.
Thứ tư, kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Trong bối cảnh này, đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng Chính phủ cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để ổn định giá cả của các mặt hàng này trên thị trường. Đồng thời, phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh gián đoạn và xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp giá thế giới tiếp tục đặc biệt lên cao.
“Đặc biệt, đối với cá nguyên liệu đầu vào quan trọng khác như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường hơn thị trường xuất khẩu để không xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý”, bà Oanh nhấn mạnh.