Cục Đăng kiểm đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định xe cao nhất 28%
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.
Để tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, tăng tính cạnh tranh của thị trường, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Giá (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo Cục Đăng kiểm, theo quy định hiện hành, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức giá cụ thể. Cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là Bộ GTVT. Tuy nhiên, dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không phải hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh.
Trên thị trường hiện có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong số này, các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị, chiếm 68,3%.
Đáng chú ý, sau khi Nghị định 30/2023/NĐ-CP ban hành, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn theo cơ chế thị trường.
Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó quy định hình thức nhà nước định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là nhà nước định giá tối đa.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, Cục Đăng kiểm đã đề xuất chọn phương án giá kiểm định mới trên cơ sở cập nhật các yếu tố hình thành giá trong phương án giá đã được sử dụng để ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Thông tư số 238 của Bộ Tài chính.
Theo phương án giá mới, Cục Đăng kiểm VN đề xuất điều chỉnh 2 yếu tố chi phí cơ bản. Theo đó, chi phí lương và các khoản có tính chất lương, đề nghị điều chỉnh tăng 70% căn cứ theo mức tăng tiền lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (thực tế tăng 71,43%); chi phí dịch vụ mua ngoài, đề nghị điều chỉnh tăng 20% do yếu tố tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến nay (thực tế Chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng 26,05%). Theo phương án này, giá dịch vụ kiểm định mới sẽ tăng từ 26-28% so với mức giá hiện hành.
Mức giá dịch vụ kiểm định xe hiện nay được Bộ Tài chính ban hành năm 2013 dựa trên mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 6/2012 là 1,05 triệu đồng. Đến nay mức lương cơ sở đã 6 lần tăng. So sánh giữa mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023 (1,8 triệu đồng) với mức lương cơ sở từ tháng 6/2012 đã tăng 71,43%. Năm 2022, Bộ Tài chính đã tăng giá dịch vụ kiểm định xe thêm 10.000 đồng/xe.
Trong khi đó, từ năm 2013 đến nay, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong khi đó, lạm phát liên tục tăng cao, tiền trượt giá, thậm chí, lương cơ bản cũng được tăng nhiều lần. Việc này đã khiến các đơn vị đăng kiểm gặp khó khăn trong việc xoay xở chi phí hoạt động.
Việc sụt giảm lượng phương tiện đến đăng kiểm thời gian vừa qua do thay đổi quy định về chu kỳ kiểm định, miễn đăng kiểm lần đầu xe cơ giới cũng khiến các trung tâm đăng kiểm bị sụt giảm doanh thu, khó khăn trong duy trì hoạt động.
Trước đó, Cục Đăng kiểm đã nhận được 101 phương án giá từ 122 trung tâm đăng kiểm xe gửi về. Cục Đăng kiểm đã loại bỏ 25 phương án giá kê khai chi phí quá cao so với năm trước liền kề nhưng không có thuyết minh chi tiết hoặc tỷ lệ lợi nhuận dự kiến để ở mức cao (20%).
Trên cơ sở này, Cục Đăng kiểm đã lựa chọn 76 phương án đại diện cho 96 trung tâm đăng kiểm xe làm cơ sở lập phương án đề xuất liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính xem xét, điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định.
Phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí của hoạt động kiểm định của hệ thống các đơn vị đăng kiểm đồng thời xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành và thuế suất thuế VAT 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá dịch vụ kiểm định đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi để quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe.
Cục Đăng kiểm đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng.
Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.
Ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3239/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Phó Thủ tướng phân công Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đánh giá tình hình, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định; chỉ đạo cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xây dựng phương án giá trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ kiểm định trong trường hợp cần thiết.