Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Hoa Kỳ có thể cấm nhà đầu tư rót vốn vào các công ty công nghệ Trung Quốc
Việc cấm các nhà đầu tư rót tiền vào các công ty công nghệ Trung Quốc phản ánh sự lo lắng của Washington đối với đà phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.

Theo Global Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã nghĩ ra một kế hoạch mới nhằm gây khó dễ cho các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ có thể sẽ xem xét lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào các công ty công nghệ Trung Quốc, một động thái mà các chuyên gia cho rằng một lần nữa phản ánh sự lo lắng của Washington đối với đà phát triển công nghệ cao của Trung Quốc sau khi nhiều chính sách được đưa ra trước đó đã chứng minh không hiệu quả.
Nhưng kế hoạch ngăn chặn đầu tư lần này được dự đoán sẽ không thành công, không chỉ bởi vì các công ty Trung Quốc không phụ thuộc quá nhiều vào vốn của Hoa Kỳ, mà vì nó sẽ khiến các nhà đầu tư Hoa Kỳ tức giận do 40 tỷ USD sẽ mắc kẹt trong các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc và các khoản đầu tư khổng lồ khác.
Theo thông tin trên Reuters, trong những tháng tới, Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố lệnh cấm đầu tư vào một số công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời tăng cường giám sát những công ty khác. Đặc biệt, Reuters cho biết lệnh cấm này dự kiến sẽ áp dụng đối với một số khoản đầu tư liên quan đến sản xuất chip.
Sắc lệnh hành pháp, nếu được thực thi, sẽ là một động thái đáng chú ý mà chính quyền Biden thực hiện nhằm làm tê liệt lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc sau khi họ công bố một loạt các hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chip và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến vào tháng 10.
NGĂN CẢN ĐẦU TƯ CÓ THỂ GÂY TỔN THƯƠNG CHO MỸ
Global Times cho biết theo các chuyên gia, một mặt, kế hoạch cấm đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc của chính quyền Biden phù hợp với chiến lược dài hạn của Mỹ, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, nó phản ánh sự kém hiệu quả của các biện pháp ngăn cản trước đây của Hoa Kỳ đối với sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc, khi chính quyền Biden liên tục điều chỉnh chính sách với các công ty công nghệ của Trung Quốc, từ việc hạn chế phương tiện sản xuất, làm gián đoạn dòng chảy nhân tài, cho đến biện pháp hạn chế đầu tư vốn hiện nay.
Chen Jia, một nhà phân tích độc lập về chiến lược quốc tế, nói với Global Times: “Việc chính quyền Biden tiếp tục tăng cường đàn áp ngành công nghiệp chip của Trung Quốc cũng giống như lựa chọn của một con bạc, nhằm cố gỡ gạc những thất bại trong quá khứ”.
Ma Jihua, người sáng lập Công ty tư vấn quản lý DARUI Bắc Kinh, cho rằng các chính sách của Hoa Kỳ đối với công ty Trung Quốc ngày càng trở nên không chọn lọc, vì họ có xu hướng sử dụng bất kỳ biện pháp nào có sẵn để làm tổn thương các công ty công nghệ Trung Quốc. bất kể nó gây phản tác dụng như thế nào đối với nền kinh tế của chính họ.
"Kiềm chế đầu tư chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho các công ty Mỹ so với các chính sách trước đây, vì một lượng lớn nguồn tiền đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc thu được lợi nhuận cao. Ngăn chặn đầu tư giống như lấy mất những quả trứng vàng của các nhà đầu tư Mỹ", Ma nói.
Một báo cáo gần đây của một nhóm chuyên gia cố vấn của Đại học Georgetown cho thấy các nhà đầu tư Mỹ chiếm gần 1/5 khoản đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc từ năm 2015 đến 2021, với tổng giao dịch trị giá 40,2 tỷ USD. Qualcomm Ventures và Intel Capital lần lượt tham gia 13 và 11 khoản đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc.
CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC KHÔNG CẦN GẤP NGUỒN VỐN CỦA MỸ
Global Times cho biết tất cả các chuyên gia được phỏng vấn đều nhấn mạnh mặc dù Hoa Kỳ dường như quan tâm đến việc tạo khoảng cách phát triển lớn giữa các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong đó muốn ngăn cản lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, nhưng điều đó không thể thành công.
Đặc biệt, về đầu tư vốn, các công ty công nghệ Trung Quốc không cần gấp nguồn vốn của Mỹ như cách đây 20 hay 30 năm, do đầu tư nước ngoài từ các quốc gia khác đang đổ vào Trung Quốc và thị trường đầu tư mạo hiểm đã trưởng thành ở Trung Quốc.
Chen nhấn mạnh rằng tổng đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đang giảm trong những năm gần đây, mặc dù họ tăng tốc đầu tư vào một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và vận tải. Ông lưu ý: “Hiện nay, phần lớn vốn đầu tư công nghệ cao được các công ty Trung Quốc thu hút là từ Trung Quốc”.
Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đã tăng từ 1,03 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2012 lên 2,79 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, đứng thứ hai trên thế giới. Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học cơ bản đã tăng 3,4 lần từ năm 2012 đến năm 2021, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực nội bộ gia tăng nếu chính phủ cấm đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt khi nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi các vấn đề như lạm phát. Các chuyên gia cho biết điều này sẽ khiến chính quyền Biden khó thực hiện các chính sách "tách rời" như họ đã thiết kế.
Theo báo cáo của Reuters, chính quyền Biden lên kế hoạch ban hành sắc lệnh hành pháp trong quý 4/2022, nhưng đã trì hoãn động thái này trước chuyến đi dự kiến của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ Antony Blinken tới Trung Quốc.
“Tiến triển của lệnh cấm đầu tư cho thấy có rất nhiều điều không chắc chắn về thời gian và phạm vi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc”, Chen nói.