Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư
Thành phố ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chia sẻ tại tọa đàm “Giới thiệu môi trường đầu tư thành phố Đà Nẵng” đang diễn ra tại Đà Nẵng (sáng 17/3) trong khuôn khổ Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 (lần thứ 3), với chủ đề: "Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững" Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết Đà Nẵng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô GRDP năm 2022 đạt hơn 125.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,3 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước. So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và mô trong vùng.
Tận dụng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới thành phố định hướng phát triển và thu hút đầu tư như sau: Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Theo đó, thành phố tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Cụ thể hơn, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà nẵng (IPA Đà Nẵng), cho biết đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 977 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 4,06 tỷ USD từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (48,2%), bất động sản và du lịch (33,8%), dịch vụ (16,4%) và lĩnh vực khác (1,6%).
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Đà Nẵng đạt 3,578 tỷ USD trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 1,499 tỷ USD (tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2021) và nhập khẩu đạt 2,079 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021).
Đặc biệt, với việc trở thành điểm đến du lịch được yêu thích, lượng khách du lịch tới Đà Nẵng tăng liên tục trong các năm 2016-2019. Nhờ đó, Đà Nẵng đã có 1.272 khách sạn và khu resort với hơn 44.810 phòng. Đà Nẵng cũng là thành phố có khoảng 23.000 người lao động được đào tạo.
Để thành phố tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng với việc xây dựng cảng Liên Chiểu. Theo đó, Đà Nẵng sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư như giảm thuế, hỗ trợ thủ tục…
Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, thông qua buổi tọa đàm, Đà Nẵng kỳ vọng các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sẽ hiểu rõ hơn về những tiềm năng, lợi thế phát triển của Đà Nẵng, để từ đó nghiên cứu, xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại thành phố.
“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục có cơ hội đón tiếp quý vị trong thời gian sớm nhất để thảo luận cụ thể hơn về việc triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh. Lãnh đạo thành phố cam kết nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng”, ông Chinh khẳng định.