"Đà Nẵng là địa điểm lý tưởng để phát triển ngành công nghệ chip bán dẫn và vi mạch"
Thành phố đã tập trung nguồn lực tài chính để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế đến đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng...
Chiều ngày 26/4, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh.
Hơn 50 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, lãnh đạo các sở, ngành, các trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia Tọa đàm.
Toạ đàm được tổ chức nhằm mục đích tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia về các nội dung trong Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", đảm bảo hoàn thiện Đề án một cách khoa học, có chất lượng, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng trọng tâm.
Thông tin tại Tọa đàm những nội dung cơ bản dự thảo Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), cho biết Đề án gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng đề án, phần nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và phần tổ chức thực hiện.
Theo đó, nội dung dự thảo Đề án đề xuất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đồng thời khuyến nghị 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; phát triển cơ sở hạ tầng; về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; về phát triển và tiến tới làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn; về sở hữu trí tuệ; về thu hút đầu tư; giải pháp về truyền thông; và giải pháp về hỗ trợ triển khai.
Đặc biệt phần tổng quan, dự thảo phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới, trong đó tập trung khái quát thực trạng của ngành, bối cảnh thiếu nguồn cung chip bán dẫn và xu hướng phát triển ngành của các quốc gia gồm có Mỹ, Anh quốc, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ. Đồng thời phân tích thực trạng ngành công nghiệp vi mạch bán, dẫn của Việt Nam và Đà Nẵng để làm rõ cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm thế giới cho các mục tiêu, giải pháp thực hiện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, nhấn mạnh: Công nghệ chip bán dẫn và vi mạch đang đóng vai trò trọng yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực cuộc sống và kinh tế. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các mục tiêu đến năm 2030, trong đó có mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xây dựng và dự kiến trong tháng 6 tới sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn…
Theo TS. Thanh, Đà Nẵng với nguồn lực đảm bảo, tiềm năng phát triển vững mạnh và một môi trường kinh doanh thân thiện, là địa điểm lý tưởng để phát triển ngành công nghệ chip bán dẫn và vi mạch. Thành phố đang tận dụng cơ hội từ thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện cũng như triển khai có hiệu quả kết quả các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tại Hoa Kỳ và lãnh thổ Đài Loan vào tháng 11/2023 và tháng 2/2024, các ký kết ghi nhớ hợp tác với các đối tác quan trọng trong ngành vi mạch bán dẫn và AI như Công ty Synopsys, Tập đoàn Intel…
Đà Nẵng đã khởi động Chương trình đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn của thành phố và khai giảng Khoá bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn và sinh viên các chuyên ngành gần; đồng thời, để tạo lập cơ sở nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, tiến tới xây dựng Đà Nẵng trở trở thành một trung tâm về thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch, bán dẫn của Việt Nam với trọng tâm là xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thành phố đã tập trung nguồn lực tài chính để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế đến đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng. Cùng với đó, Thành phố từng bước hình thành hệ thống ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu có chất lượng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng có 3 yếu tố quan trọng phát triển chip bán dẫn và vi mạch đó là: Hạ tầng, thể chế chính sách và con người. Theo bà Thủy, Đà Nẵng có thuận lợi về hạ tầng giao thông, kết nối logistic.
Cùng đó, yếu tố nhân lực cũng là điểm cộng của Đà Nẵng và đã có sự vào cuộc nhanh chóng trong giai đoạn đầu từ việc tích cực làm việc đơn vị, quốc gia bán dẫn, nghiên cứu khảo sát thị trường... Đà Nẵng có lợi thế về hạ tầng Khu công nghệ cao với nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất…
Tuy nhiên, ở góc độ khác, theo nhìn nhận của các chuyên gia thì ngành vi mạch, bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn như thiết kế, lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Mỗi công đoạn có yêu cầu, đặc điểm riêng. Khâu thiết kế chú trọng nhất vào nguồn lực con người, vậy nên đi kèm với mục tiêu về phát triển năng lực thiết kế chip bán dẫn trên địa bàn thì tập trung những cơ chế chính sách dành cho con người, cụ thể là đội ngũ chuyên gia, giảng viên, học sinh, sinh viên.
Trong khâu lắp ráp, cần hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp có mối liên quan chặt chẽ với nhau để cùng sản xuất.
Về nhân lực, theo chuyên gia, nếu chỉ tập trung vào nguồn nhân lực hiện có ở Đà Nẵng thì sẽ không đủ, nên cần thu hút từ các tỉnh, thành phố khác hoặc Việt kiều. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì thành phố cần xây dựng hạ tầng, có chính sách hỗ trợ cho khâu thu hút này.
Đối với nhóm nhân lực mới, việc các trường đại học cùng với thành phố chung tay xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao thôi chưa đủ mà cần có những yếu tố thu hút số lượng sinh viên đăng ký tham gia học và ra trường chọn ngành liên quan…
Các chuyên gia cũng tham vấn TP. Đà Nẵng cần thành lập tổ công tác đặc biệt tiếp nhận mọi yêu cầu của nhà đầu tư và được chỉ đạo bởi lãnh đạo cao nhất của thành phố, nhằm rút ngắn quy trình đầu tư. Bên cạnh đó cần lưu ý trách nhiệm của các bên liên quan cần được nêu rõ trong đề án, gắn với thời gian biểu cụ thể.