Đà Nẵng thành lập hai tổ công tác triển khai đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 08/3 về việc thành lập hai tổ triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” gồm: Tổ công tác và Tổ tư vấn...
Theo Quyết định 460/QĐ-UBND, Tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Quang Thanh làm tổ phó Thường trực; Và 02 tổ phó khác gồm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm.
Đối với Tổ tư vấn, UBND thành phố Đà Nẵng mời TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh làm tổ phó Thường trực.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thành phố Đà Nẵng điều phối, xây dựng và tổ chức triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” và triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách để phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố; đề xuất chính sách để thu hút đầu tư, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành chip bán dẫn thành phố Đà Nẵng. Tổ công tác nghiên cứu và tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng ban hành cơ chế thu hút chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về Đà Nẵng để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm bằng nhiều hình thức như hợp tác đầu tư, làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố; nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển thành phố.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thành phố triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của đề án và xây dựng kế hoạch triển khai đề án; tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án; tham mưu nguồn kinh phí nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án; tham mưu công tác sơ kết, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung các nội dung của đề án phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn.
Tổ tư vấn có nhiệm vụ giúp UBND thành phố Đà Nẵng góp ý kiến tư vấn, phản biện về nội dung đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” và các chủ trương, chính sách liên quan để phát triển ngành chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên gia của thành phố liên quan đến phát triển chip bán dẫn và vi mạch.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng, cho biết Thành phố đang quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Theo đó, Đà Nẵng bắt đầu từ việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thu hút các tập đoàn quy mô quốc tế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Trên cơ sở xây dựng, vận hành hạ tầng số bằng nguồn tài chính công để hỗ trợ, phục vụ cho việc xây dựng các Trung tâm thiết kế vi mạch, Trung tâm đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn
Việc thành lập Tổ công tác và Tổ tư vấn triển khai đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố, thể hiện sự quyết tâm của Đà Nẵng trong thực hiện mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, có tối thiểu 07 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển thành phố Đà Nẵng.
Từ chủ trương này của Đà Nẵng, các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã sớm đón đầu thông qua việc hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Theo số liệu thống kê, mỗi năm các trường trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên/năm.
Trước cơ hội hấp dẫn của thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn, đồng hành cùng với sự quyết tâm của chính quyền thành phố và các doanh nghiệp, một số trường đại học tại Đà Nẵng dự kiến mở rộng ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này ngay từ trong kỳ tuyển sinh năm 2024.