Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn theo phương án 1
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia ở mức độ nào để đảm bảo sức khoẻ cho người dân và không gây xáo trộn việc làm, thu nhập của người lao động, suy giảm tăng trưởng kinh tế và thất thu ngân sách là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm…
Ngày 22/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đồng thời thảo luận tại tổ về dự thảo luật này.
Là mặt hàng có tác động lan toả đến hơn 20 ngành trong chuỗi giá trị sản xuất, thương mại và dịch vụ nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Đa số các ý kiến phát biểu tại tổ tán thành việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia để hạn chế tiêu dùng, thúc đẩy văn hóa uống chừng mực để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
ĐẶT NGÀNH RƯỢU VÀ BIA TRONG MỐI QUAN HỆ LIÊN NGÀNH
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi tác động của các phương án tăng thuế chưa được Bộ Tài chính đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra căn cứ thuyết phục.
“Khi đọc tài liệu liên quan đến Dự luật, tôi thấy những nội dung đánh giá tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn chưa định lượng; chưa có thông tin đầy đủ, toàn diện về những mặt được và mất khi áp dụng chính sách mới. Việc tăng thuế tác động đến toàn bộ nền kinh tế và an sinh xã hội như thế nào chưa làm rõ”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận xét.
Bà Huỳnh Thị Phúc cho rằng cơ quan soạn thảo mới chỉ đề cập đến 2 phương diện khi đánh giá tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia là: bảo đảm sức khoẻ của người dân và thu ngân sách song những nội dung này còn đơn giản. Lý do, theo bà Phúc, Bộ Tài chính mới chỉ xem xét tác động đơn lẻ chứ chưa đặt ngành bia, rượu trong mối quan hệ liên ngành; trong tổng thể chuỗi giá trị sản xuất, thương mại và dịch vụ của nền kinh tế.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, thuế tiêu thụ đặc biệt mà tăng quá bất ngờ và quá nhanh thì có thể gây xáo trộn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất rượu, bia chính thức; từ đó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của ngườilao động ở các đơn vị doanh nghiệp này nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đại biểu Nguyễn Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đánh giá đa phần các doanh nghiệp đều đang rất khó khăn. Từ 2022 đến nay, Chính phủ đã đề xuất rất nhiều phương án để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về vốn, miễn/giảm thuế, phí và nhiều giải pháp khác. Do đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức nào, lộ trình ra sao cần phải tính toán rất kỹ trong thời điểm hiện nay.
“Đồng ý tăng thuế nhưng cần nghiên cứu, tính toán kỹ về thuế suất và tác động ở nhiều mặt”, Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, nói.
Ông Hải cho rằng luật không nên quy định quá chi tiết về mức tăng bởi vì cần có sự ổn định càng lâu càng tốt chứ không thể đến năm 2030 lại đi sửa do phải điều chỉnh thuế suất; chỉ khi nào có những thay đổi lớn từ thực tiễn mới nên sửa luật. Những vấn đề quá chi tiết, cụ thể không nên quy định trong luật.
CÂN NHẮC TĂNG THUẾ VỚI RƯỢU VÀ BIA THEO PHƯƠNG ÁN 1
Theo ghi nhận, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đến năm 2027. Một số ý kiến đề xuất thẳng nên tăng thuế theo phương án 1 trong Dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến hàng chục ngành hàng liên quan, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm chủ thể dễ bị tổn thương.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết trong 2 phương án tăng thuế tại Dự thảo, ông ủng hộ phương án 1.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia theo phương án 1 mà Bộ Tài chính đề xuất. Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng chọn phương án 1.
Đại biểu An cho rằng trong thực tế, mức tiêu thụ rượu, bia ở nước ta hiện nay đang có xu hướng giảm nhờ những quy định mạnh mẽ của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Luật An toàn giao thông đường bộ; quy định cấm người tham gia giao thông đường bộ khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Tính tuân thủ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe hiện ở mức cao. Cùng đó, người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khoẻ bằng cách hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
“Tôi chọn phương án 1 theo đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra để đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng không bị rơi vào các cú sốc. Đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong chuỗi sản xuất rượu, bia ở nước ta”, Đại biểu Lê Thị Song An nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền giang, tán thành việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia song bày tỏ nhất trí với ý kiến không nên áp dụng mức thuế này từ 2026 mà cần có lộ trình, sớm nhất là áp dụng từ năm 2027.
Bên cạnh 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề xuất phương án thứ 3: tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn từ 65% hiện nay lên 70% tính từ năm 2027 (giãn 1 năm so với Dự thảo – PV), sau đó cứ 2 năm thì tăng thuế thêm 5% cho đến năm 2031, khi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đạt đến 80%.
“Cho rằng mục tiêu khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là bảo vệ sức khỏe người dân nhưng trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những loại bia giả, sản phẩm thủ công phi chính thức mà Nhà nước không kiểm soát được chất lượng. Do đó, giãn lộ trình tăng thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là một phần nhưng quan trọng hơn là tìm ra phương án thực sự bảo vệ sức khỏe nhân dân và đảm bảo thu ngân sách nhà nước”, bà Huỳnh Thị Phúc nói.
Chung mối quan tâm, đại biểu Âu Thị Mai, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, đề nghị lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia đến năm 2027, thay vì từ năm 2026 như Dự thảo Luật.
Theo bà Mai, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó là áp lực về các loại thuế, phí…
Nữ đại biểu lo ngại nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến tác dụng ngược là thất thu ngân sách. Doanh thu sụt giảm buộc các doanh nghiệp rượu, bia phải cắt giảm kinh doanh, dừng hoạt động các nhà máy. Chưa kể, việc tăng thuế suất quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm rượu, bia phichính thức nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước.
Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Lê Thị Song An quan tâm. Do đó, bà An đề nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách tăng cường quản lý thị trường để giảm thiểu tình trạng buôn lậu rượu, bia gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng. Tăng cường truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị sản xuất, thương mại, dịch vụ của ngành rượu, bia.