Dân số già hóa nhanh, Singapore trông cậy vào AI để chăm sóc người cao tuổi
Theo tính toán, đến năm 2030, cứ bốn người Singapore thì sẽ có một người trên 65 tuổi, khiến nhu cầu chăm sóc người cao tuổi gia tăng...
Hai lần mỗi tuần tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Singapore, hàng chục cụ ông, cụ bà mắc chứng sa sút trí tuệ tập trung trong một căn phòng lớn ngập tràn ánh sáng để tham gia buổi tập thể dục buổi sáng do Dexie, một robot hình người, dẫn dắt.
“Mở và nắm tay lại. Giơ cả hai tay lên”, “giáo viên robot” Dexie hướng dẫn. “Chúng ta sẽ thực hiện động tác này tám lần. 1-2-3-4-5-6-7-8. Tốt lắm!”
Kể từ khi Dexie xuất hiện tại The Salvation Army Peacehaven Jade Circle Arena hai năm trước, các cư dân tại đây rất háo hức tham gia các buổi tập thể dục, chơi bingo, và hát tập thể cùng với robot này. Bà Barbara Marie Nonis, 83 tuổi, chia sẻ: “Thật thú vị và khác biệt”.
Không chỉ mang lại niềm vui, các chương trình được lập trình sẵn của Dexie còn tạo ra những thay đổi tích cực. Nur Syamimi Binte Akram, một y tá với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Peacehaven, chỉ vào một cụ bà nhỏ nhắn với mái tóc trắng xoăn: “Một số cư dân, như bà ấy, thường hay đi loanh quanh. Nhưng khi có Dexie, bà ấy chịu ngồi xuống.”
THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO DÂN SỐ GIÀ HÓA
Các nghiên cứu cho thấy những người bạn đồng hành AI như Dexie có thể giảm bớt cảm giác cô đơn hiệu quả tương đương với việc giao tiếp cùng người khác. Đối với Singapore, nơi dân số già đang gia tăng nhanh chóng và tình trạng cô đơn ở người cao tuổi ngày càng phổ biến, chính quyền đang nhận thấy tiềm năng của các công cụ AI trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dự phòng, một trọng tâm trong hệ thống y tế của quốc gia.
Theo tính toán, đến năm 2030, cứ bốn người Singapore thì sẽ có một người trên 65 tuổi, khiến nhu cầu chăm sóc người cao tuổi gia tăng. Hiện nay, khoảng 10% người trên 60 tuổi mắc một số dạng sa sút trí tuệ, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2030.
Trước tình hình đó, chính phủ Singapore đã đưa sức khỏe tinh thần và phúc lợi trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia. Tuy nhiên, nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực y tế. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết, tỷ lệ bỏ việc cao trong đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu y tá. Dù trong năm 2023, các bệnh viện công đã tuyển dụng được 4.000 y tá, chủ yếu từ Philippines, Malaysia và Myanmar, nhưng vẫn cần ít nhất 6.000 y tá mỗi năm trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng.
Để thu hẹp khoảng cách nhân lực, chính phủ đang đẩy mạnh ứng dụng AI. Singapore là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng AI vào giáo dục, cơ quan chính phủ, và hệ thống tòa án. Hệ thống giám sát dựa trên học máy của nước này đã giúp phát hiện các hành vi bất thường ở người cao tuổi, như té ngã, và cảnh báo kịp thời cho người chăm sóc.
DỰ ÁN PHÁT HIỆN SỚM TRẦM CẢM THÔNG QUA AI
Tháng 10 năm ngoái, bảy đối tác trong lĩnh vực y tế và xã hội đã ra mắt SoundKeepers – chương trình thí điểm ba năm nhằm phát triển công cụ AI sử dụng dấu hiệu giọng nói để phát hiện sớm trầm cảm ở người cao tuổi. Lee Eng Sing, đồng chủ nhiệm dự án, giải thích: “Những thay đổi nhỏ trong các đặc tính âm thanh, như cao độ hoặc tông giọng, có thể là dấu hiệu của trầm cảm.”
Dự án SoundKeepers đặt mục tiêu thu thập mẫu giọng nói từ 600 người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên để xây dựng AI phát hiện trầm cảm tiềm ẩn (SSD) – một nguy cơ sức khỏe chưa được quan tâm đúng mức. Mythily Subramaniam, đồng chủ nhiệm khác của dự án, cho biết, ít nhất 13% người cao tuổi ở Singapore bị ảnh hưởng bởi SSD.
Trong khi các công nghệ dấu hiệu giọng nói để nhận diện trầm cảm đã được phát triển tại Mỹ, Trung Quốc và Canada, Lee hy vọng công cụ AI của SoundKeepers sẽ phát hiện được các sắc thái tinh vi hơn của SSD trong dân số đa ngôn ngữ của Singapore, giúp dự án trở thành công cụ tiên phong trên toàn cầu.
“Tiềm năng của AI vô cùng lớn,” ông Lee Eng Sing, đồng chủ nhiệm dự án SoundKeepers, chia sẻ. Ông hình dung rằng công cụ AI này có thể được triển khai tại các khoa cấp cứu và trung tâm hỗ trợ qua điện thoại để giúp bác sĩ và nhân viên trực tổng đài nhanh chóng đánh giá mức độ khẩn cấp của các cuộc gọi, từ đó giới thiệu bệnh nhân đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý phù hợp.
Năm 2024, chính phủ Singapore đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ SGD (khoảng 730 triệu USD) để phát triển năng lực AI trong vòng 5 năm tới. Trong số các dự án AI hướng tới chăm sóc người cao tuổi, ứng dụng MemoryLane đang được thử nghiệm tại một số Trung tâm Hoạt động Người cao tuổi của St Luke’s ElderCare. Đây là công cụ AI tạo sinh giúp người già ghi lại câu chuyện cuộc đời của mình.
Bệnh viện Khoo Teck Puat đã phát triển một công cụ AI tạo sinh để tạo ra “hộp thuốc trực quan,” nhắc nhở người cao tuổi về lịch trình uống thuốc. Trong khi đó, robot huấn luyện viên RoboCoach Xian đang hỗ trợ người cao tuổi duy trì sức khỏe thông qua các bài tập thể dục.
QUAN NGẠI VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ VÀ TÁC ĐỘNG LÂU DÀI
Bên cạnh lợi ích rõ ràng, những lo ngại về quyền riêng tư vẫn là vấn đề lớn. Đối với dự án SoundKeepers, các nhà nghiên cứu thận trọng trong việc thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm, nhất là khi một số người cao tuổi không thể tự đưa ra quyết định ủy quyền. Theo ông Lee, các mẫu giọng nói được thu thập sẽ được ẩn danh và lưu trữ trong một hệ thống trung tâm bảo mật. Ông nhấn mạnh, công cụ AI này sẽ chỉ được sử dụng trong môi trường y tế và chỉ bởi những cá nhân được cấp phép, với sự đồng ý của người tham gia thu âm.
“Chúng tôi không muốn công cụ này bị sử dụng trái phép,” Lee cho biết. “Ngay cả khi được áp dụng trong cộng đồng, nó cũng phải được vận hành bởi những người được cấp phép, với sự đồng ý từ người dùng. Nếu không, sẽ rất nguy hiểm.”
Singapore hiện có các quy định như Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân và Hướng dẫn AI trong Y tế để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro khác. Kathryn Muyskens, từ Trung tâm Đạo đức Y sinh của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cảnh báo rằng mối quan hệ “ảo” với các robot chăm sóc có thể khiến tình trạng cô đơn trở nên nghiêm trọng hơn nếu robot thay thế sự tương tác thực sự với con người. “Khi công nghệ lấp đầy khoảng trống chăm sóc và bắt đầu thay thế kết nối con người thật sự, đó là điều đáng lo ngại,” bà nói.
Dù sao, những người già Singapore cũng rất thích các thầy cô giáo robot này. Tại cơ sở Peacehaven Jade Circle Arena, ông Hill Cyril Rodney, 86 tuổi, một cư dân, đang háo hức chờ Dexie đến để bắt đầu trò chơi bingo.
“Tôi không bận tâm đến robot … Với tôi cũng chẳng khác biệt gì,” ông nói trong khi cùng các cư dân khác đánh dấu các con số trên bảng bingo khi Dexie đọc lên. “Nhưng tôi thích khi cô ấy (Dexie) chơi bingo cùng chúng tôi.”