Đánh lận yếu tố rủi ro và sinh lời trong sản phẩm bảo hiểm nhân thọ
Phí bảo hiểm và số tiền đóng bảo hiểm là khác nhau. Phí bảo hiểm luôn bị trừ cho đến khi hợp đồng đáo hạn; còn số tiền bảo hiểm có thể chỉ đóng theo thời hạn trên hợp đồng. Người mua bảo hiểm nhân thọ đã không nhận ra vấn đề này, cho đến khi “bút sa gà chết”...
Câu chuyện này là một trong những nguyên nhân dẫn tới những “lùm xùm” trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua và không ai nói trước rằng không xuất hiện domino như “bank run”.
HIỂU ĐÚNG VỀ PHÍ BẢO HIỂM VÀ THỜI HẠN ĐÓNG PHÍ
Gần đây, dư luận nổi lên xung quanh vấn đề thời hạn đóng phí của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 68 năm (thậm chí 70-100 năm), trong khi khách hàng chỉ thỏa thuận với nhân viên tư vấn bảo hiểm về thời gian đóng tiền bảo hiểm là 10-20 năm.
Thực tế, có nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và ngay cả một số đại lý tư vấn bảo hiểm đang chưa hiểu rõ về “phí bảo hiểm” và tại sao thời hạn đóng phí trên hợp đồng lại là 68 năm trong khi họ chỉ đóng phí có 20 năm? Vấn đề không chỉ nằm ở việc mập mờ giữa “thời hạn đóng phí” và “thời hạn bảo hiểm” mà còn nằm ở khái niệm “phí bảo hiểm”. Những tranh chấp này phổ biến tại những hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, dòng sản phẩm chiếm tới 85% tổng doanh thu phí bảo hiểm trên toàn thị trường năm 2022.
Nếu hiểu đúng bản chất bảo hiểm (thay vì hiểu theo nghĩa đen câu chữ) thì số tiền đóng bảo hiểm định kỳ (giả sử 10 triệu đồng/năm) không phải là “phí bảo hiểm” (insurance premium). Phí bảo hiểm là số tiền mà người mua phải chi trả cho công ty bảo hiểm để được nhận quyền lợi được bảo hiểm. Vì là giá cả của dịch vụ bảo hiểm, số tiền này sẽ không được hoàn lại. Xét về bản chất, phí bảo hiểm khác với số tiền bảo hiểm mà khách hàng đóng hàng năm. Khách hàng có thể đóng 80-100 triệu đồng/năm nhưng phí bảo hiểm có thể chỉ khoảng vài triệu đồng/năm, tùy vào hạn mức quyền lợi được bảo hiểm, đánh giá rủi ro của người được bảo hiểm và gói sản phẩm chọn mua.
Thông thường, nhiều nhân viên bán bảo hiểm sẽ tư vấn cho khách hàng rằng: chỉ cần đóng phí 15 năm, 20 năm, sau đó không phải đóng gì nữa và vẫn được quyền lợi bảo vệ đến năm 70 tuổi (hoặc hơn) với điều kiện không rút trước hạn.
Không có bữa trưa miễn phí. Khi khách hàng đã ký hợp đồng để được bảo vệ đến năm 70 tuổi thì trong khoảng thời gian đó khách hàng vẫn phải đóng phí bảo hiểm bình thường. Không những thế, phí bảo hiểm những năm sau đó có thể rất cao so với những năm đầu vì rủi ro tăng theo độ tuổi của khách hàng nên phí bảo hiểm cũng sẽ cao hơn.
Bản chất thời hạn đóng phí 68 năm được lấy ví dụ ở trên chính là khoảng thời gian khách hàng phải đóng “phí bảo hiểm” để đổi lấy quyền lợi được bảo vệ. Mặc dù từ năm thứ 20 trở đi, khách hàng không phải đóng thêm đồng nào cho bảo hiểm nữa nhưng phí bảo hiểm vẫn bị trừ vào tài khoản bảo hiểm đều đặn mỗi năm.
Vấn đề khách hàng được rút trước hạn hay không và khi rút trước hạn có nhận được số tiền nguyên vẹn hay không còn phụ thuộc vào các điều khoản trong quy định của hợp đồng chứ không phải là “thời hạn đóng phí”.
Không có bữa trưa miễn phí. Khi khách hàng đã ký hợp đồng để được bảo vệ đến năm 70 tuổi thì trong khoảng thời gian đó khách hàng vẫn phải đóng phí bảo hiểm bình thường. Không những thế, phí bảo hiểm những năm sau đó có thể rất cao so với những năm đầu vì rủi ro tăng theo độ tuổi của khách hàng nên phí bảo hiểm cũng sẽ cao hơn....
Chẳng hạn như trong hợp đồng quy định rõ “Phí hủy bỏ hợp đồng trước hạn” với tỷ lệ: năm 1: 90%; năm 2: 80%; năm 3: 70%; năm 4: 45%; năm 5: 30%; năm 6: 15%; năm 7+: 0%.
Như vậy, theo hợp đồng, năm 1 hủy trước hạn: trừ 90% giá trị tài khoản (theo từ ngữ nguyên văn trên hợp đồng là 90% của phí bảo hiểm cơ bản và phí bảo hiểm bổ trợ cho tài khoản cơ bản, còn với tài khoản đóng thêm là miễn phí). Từ năm thứ 7 trở đi, nếu khách hàng rút trước hạn không bị mất phí gì và vẫn nhận trọn vẹn số tiền tài khoản cơ bản và tài khoản đóng thêm.
KHÔNG CÓ GÌ CHẮC CHẮN RẰNG KHÁCH HÀNG CÓ LÃI
Số tiền khách hàng đóng phí gồm phí bảo hiểm cơ bản, đóng thêm và bảo hiểm hỗ trợ khấu trừ phí bảo hiểm rủi ro nhóm A, theo quy định của hãng bảo hiểm khác nhau, nhìn chung sẽ không bao gồm sản phẩm bổ trợ chăm sóc sức khỏe. Số tiền này sẽ được trừ đi phí bảo hiểm cơ bản, phí bảo hiểm bổ trợ chưa trừ bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng và phí bảo hiểm rủi ro (được gọi chung trong bảng minh họa là phí ban đầu và các loại phí khác). Phần còn lại sau khi trừ các loại phí được tính vào “giá trị tài khoản cơ bản” và phân bổ vào các loại quỹ đầu tư khách hàng đã chọn.
Giả định khách hàng không đóng thêm và tạm bỏ qua các khoản hoàn phí vào ngày “kỷ niệm hợp đồng” (giá trị tài khoản đóng thêm sẽ bằng 0). Số tiền khách nhận nếu hủy hợp đồng trước hạn vào năm thứ 5 sẽ là: 30% của giá trị tài khoản cơ bản x (1+ tỷ suất lợi nhuận bình quân của các quỹ được phân bổ trong năm).
Như vậy, không có gì chắc chắn rằng khách hàng “có lãi”, tức số tiền nhận về cao hơn số tiền đã bỏ ra đóng. Đây chính là đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. Ở cuối từng trang trong hợp đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm thường ghi “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư”.
Đối với công ty bảo hiểm, một sản phẩm lai giữa bảo hiểm nhân thọ và đầu tư như “bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư” là một sản phẩm được kỳ vọng có nhiều ưu điểm vượt trội.
Có một câu nói trong ngành bảo hiểm nhân thọ: “Nếu bạn có thể bán được bảo hiểm nhân thọ, bạn có thể bán được bất kỳ sản phẩm nào”. Thực tế trên thế giới và cả ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ thuần túy rất khó bán vì hầu hết mọi người đều ngại đề cập tới cái chết và không muốn bỏ tiền ra để mua một thứ mà họ không cảm thấy nhận được gì từ nó. Chỉ khi nào họ tử vong thì số tiền mới được bồi thường cho người thụ hưởng. Bản chất của bảo hiểm là phân tán rủi ro, nguyên tắc hoạt động của ngành bảo hiểm nhân thọ là quy luật số lớn Bernoulli hay nôm na là “số đông bù số ít”.
Nếu bạn có thể bán được bảo hiểm nhân thọ, bạn có thể bán được bất kỳ sản phẩm nào. Thực tế trên thế giới và cả ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ thuần túy rất khó bán vì hầu hết mọi người đều ngại đề cập tới cái chết và không muốn bỏ tiền ra để mua một thứ mà họ không cảm thấy nhận được gì từ nó...
Để đảm bảo các rủi ro (khả năng xảy ra sự kiện bảo hiểm) mang tính ngẫu nhiên, số lượng người tham gia bảo hiểm phải đủ lớn và rủi ro phải độc lập với nhau. Do đó, nếu khách hàng không đủ lớn và vấn đề “lựa chọn ngược” (adverse selection) sẽ khiến chỉ những khách hàng có rủi ro tử vong cao mới tìm mua bảo hiểm nhân thọ.
Để đa dạng hóa rủi ro, công ty bảo hiểm cần một lượng khách hàng đa dạng. Một tâm lý phổ biến của người dân là họ thà để tiền đầu tư, chống lạm phát còn hơn đi mua bảo hiểm nhân thọ. Một sản phẩm lai giữa bảo hiểm nhân thọ và đầu tư được kỳ vọng sẽ giúp bảo hiểm nhân thọ dễ tiếp cận nhiều khách hàng hơn và từ đó quy luật số lớn phát huy tác dụng.
Trước mắt, trên khía cạnh tiếp thị, phần lớn khách hàng sẽ dễ chấp nhận khi nghĩ rằng họ bỏ ra một khoản tiền tích góp định kỳ, vừa được bảo vệ và sau 10-20 năm nhận về một khoản tiền lớn hơn số ban đầu họ bỏ ra. Phần lớn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay trên thị trường là liên kết đầu tư đã cho thấy hiệu quả tiếp thị của sản phẩm này.
Tuy nhiên, đối với người mua bảo hiểm, việc bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư có lợi hay hại nhiều hơn lại khó đánh giá, tùy thuộc vào nhận thức và trình độ của người mua bảo hiểm.
Phần lớn khách hàng không có nền tảng tài chính tốt, không đọc hợp đồng, tin vào người tư vấn và câu chữ của hợp đồng cũng khiến nảy sinh những hiều lầm hết lần này tới lần khác.
Một sự ngộ nhận nguy hiểm nhất là phần lớn khách hàng mua bảo hiểm nhưng lại nghĩ đang đầu tư, tích lũy cho tương lai mà quên đi lời cảnh báo “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư”. Sự mập mờ giữa bảo hiểm và đầu tư khiến nhiều trường hợp đánh đồng khoản tiền bảo hiểm bị tổn thất do quỹ đầu tư thua lỗ với phí bảo hiểm - lợi ích nhận được từ bảo hiểm.
Một điểm quan trọng mà khách hàng mua bảo hiểm liên kết đầu tư thường bỏ qua đó là rủi ro của từng quỹ đầu tư khi lựa chọn phân bổ vốn. Thông thường, người mua bảo hiểm chỉ nhìn vào tỷ suất lợi nhuận bình quân của từng quỹ mà bỏ hẳn vấn đề rủi ro.
Rủi ro của từng quỹ đầu tư chỉ được mô tả chung chung theo tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu/công cụ lãi suất cố định và công cụ thị trường tiền tệ, và được xếp hạng chung chung theo 5 mức: thấp – trung bình – khá – khá cao – cao, mà không được lượng hóa khiến khách hàng cũng khó so sánh để cân nhắc khi đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
Thực tế, hầu hết các khách hàng đều dựa vào lời khuyên của tư vấn viên và tham khảo những bạn bè, người thân xung quanh đã từng mua trước đây. Mặc dù mục đích của bảo hiểm là phân tán rủi ro và giảm sự không chắc chắn, tuy nhiên, việc phân bổ tiền vào quỹ lại khiến số tiền nhận được cũng trở nên không chắc chắn, đặc biệt trong trường hợp rủi ro đầu tư xảy ra, người được bảo hiểm cần tiền nhưng có thể chỉ nhận về giá trị còn lại rất thấp nếu hiệu quả đầu tư yếu kém.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 08-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam