Đặt nền móng hình thành nền công nghiệp an ninh mạng
An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. Đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Chiến lược được ban hành trên cơ sở đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ duy trì thứ hạng 25-30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế.
Xây dựng được hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, dịch vụ nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn, an ninh mạng hàng đầu châu Á. Hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới. Duy trì doanh thu thị trường an toàn, an ninh mạng hàng năm tăng trưởng từ 10-20%.
Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp khác có một đơn vị bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Chiến lược cũng nhấn mạnh mục tiêu đặt nền móng hình thành nền công nghiệp an ninh mạng và công nghiệp an toàn thông tin mạng; xây dựng nền tảng chính sách phù hợp chọ khởi nghiệp về an toàn, an ninh mạng; Thành lập Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.
Cùng với đó sẽ phát triển từ 3-5 sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phấn đấu doanh thu thị trường an toàn, an ninh mạng hàng năm tăng trưởng từ 20-30%.
Cũng theo Chiến lược này, kinh phí bảo đảm an toàn, an ninh mạng sẽ đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện các mục tiêu này. Chiến lược đã phân định rõ trách nhiệm và sự phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia giữa 3 lực lượng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; Hoàn thiện hành lang pháp lý; Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; Tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng…, Chiến lược nhấn mạnh giải pháp làm chủ, tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng.
Theo đó, để đặt nền móng cho công nghiệp an toàn thông tin mạng, phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng, doanh nghiệp an toàn thông tin mạng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung phát triển 3-5 sản phẩm trọng điểm, có thương hiệu quốc gia. Chuyển từ sản phẩm lớn, chuyên dụng sang sản phẩm phổ cập “bình dân hóa” sản phẩm an toàn thông tin mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ phát triển 2 nhóm doanh nghiệp an toàn thông tin mạng chủ đạo. Nhóm doanh nghiệp lớn có tiềm lực đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có ý tưởng, giải pháp xuất sắc. Cùng với đó, Bộ chỉ đạo thúc đẩy thiết lập Trung tâm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng quốc gia tại các doanh nghiệp ICT lớn…