Đề án phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030: Hoàn thành 16 công trình, dự án
Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030, là một trong 12 đề án thuộc Chương trình đột phá về phát triển hạ tầng TP.HCM, được đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI...
Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có báo cáo giữa kỳ đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, tính đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án, góp phần kéo giảm tình trạng kẹt xe, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Trong số các công trình đã hoàn thành có các công trình trọng điểm, như dự án cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son), đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký (quận 12), đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh), cầu Bưng Q. Bình Tân),… Và tiếp tục triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng, gồm: Dự án đường Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các dự án đầu tư theo hình thức PPP như dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4,...
Báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết trong thời gian qua, Thành ủy, Uỷ ban nhân dân TP.HCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án và Sở Giao thông vận tải đã tập trung tổ chức thực hiện theo kế hoạch, định kỳ có báo cáo tình hình triển khai thực hiện theo quy định.
Cụ thể, Thành phố đã chủ trì tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Quốc hội và Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ với các cơ chế đặc biệt cho dự án; thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án thành phần thuộc đường Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM... Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai sau thiết kế cơ sở các gói thầu xây lắp, đảm bảo kịp khởi công vào ngày 18/6/2023 vừa qua.
Thành phố đã hoàn thành các thủ tục và tổ chức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM, từ ngày 01/4/2022. Tính đến ngày 31/5/2023, Thành phố đã thu được 2.665,77 tỷ đồng.
Đối với các dự án thuộc đồ án quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không…), TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập đồ án và triển khai các thủ tục đầu tư, xin ý kiến góp ý chuyên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án giao thông trong điểm, cao tốc, vành đai, liên kết vùng…
Giai đoạn còn lại từ nay đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết đại hội khóa XI đã đề ra. Cụ thể, đến hết năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị ước đạt 15%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,5 km/km².
Để đạt chỉ tiêu trên, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải để triển khai thực hiên Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 154 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.
Thành phố cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở/ngành, đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đăc thù phát triển TP.HCM liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết mới điều chỉnh Nghị quyết 54. Mới đây, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng, bao gồm: Dự án Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút An Phú đến Vành đai 2), dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng trục Bắc Nam đoạn Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm, các dự án đường trên cao số 1, số 5…
Chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, tham mưu đề xuất bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và các quy hoạch chuyên ngành liên quan lĩnh vực giao thông, quy hoạch phân khu.
Trong đó, tập trung nghiên cứu đề xuất bổ sung quy hoạch các tuyến mới kết nối cảng biển và kết nối vùng, quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến đường vành đai, cao tốc, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải, giao thông đường thủy gắn liền với các đề án đã được Thành phố phê duyệt.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; ban hành Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong giai đoạn 2023 - 2030.
Thành phố cũng phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và đưa vào vận hành khai thác theo kế hoạch.