Để tiền lương là động lực tăng năng suất lao động
Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Vì thế, Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất...
Thông tin được bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chia sẻ tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, sáng 26/5.
MUỐN TĂNG NĂNG SUẤT PHẢI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH
Theo bà Phạm Thị Thu Lan, người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc.
“Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, từ 8-12% mỗi tháng ở các ngành đông lao động”, bà Lan chia sẻ.
Theo bà Lan, trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường. Tuy nhiên, nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự, lại là sự lãng phí không đáng có.
Chuyên gia ví dụ, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nhưng 1 tháng có 100 công nhân liên tục ra – vào, thì doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, đào tạo nhân viên… Trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động. Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, học tập cũng cần có động lực, bởi người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hàng ngày cho gia đình, thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên.
“Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu”, bà Lan nhìn nhận.
Theo bà Lan, tăng năng suất trong chặng đường sắp tới vẫn là một thách thức, bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều, so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng”, bà Lan phân tích.
XÁC LẬP MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU THỎA ĐÁNG
Trước những thực tế như vậy, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhấn mạnh một trong những giải pháp để tăng năng suất từ yếu tố lao động trong giai đoạn tới, là cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng.
Theo bà Lan, mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình, như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.
“Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất”, bà Lan nêu ý kiến.
Bà Lan chia sẻ, về việc này, các doanh nghiệp thường lo ngại tăng lương sẽ làm giảm việc làm. Tuy nhiên, chuyên gia trích nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học người Mỹ về tác động của lương tối thiểu tới thất nghiệp trên thế giới trong hơn 30 năm qua – nghiên cứu đạt giải Nobel năm 2021, chứng minh rằng tăng lương tối thiểu không làm tăng thất nghiệp và cũng không loại bỏ việc làm.
Ngược lại, có nơi tăng lương tối thiểu dẫn tới gia tăng đáng kể việc làm và đóng góp cho chính thức hóa việc làm.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc), cũng cho rằng năng suất lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng suất lao động cao, người lao động sẽ có thu nhập cao và đời sống không ngừng được cải thiện.
Qua diễn đàn, ông Đặng Tuấn Tú kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/ tuần cho phù hợp, và theo kịp các nước cùng khu vực. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình…
Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết năng suất lao động được đo bằng giá trị gia tăng được tạo ra (trong một năm) của mỗi người lao động. Tăng năng suất lao động được tính bằng mức tăng giá trị gia tăng được tạo ra trên mỗi lao động qua thời gian, thường được thể hiện dưới dạng phần trăm tăng trưởng.
Năng suất lao động có thể được đo lường ở các mức độ khác nhau: Ở cấp quốc gia, cấp ngành, hoặc cấp doanh nghiệp của các đơn vị sản xuất. Ở cấp độ quốc gia, cách đo lường năng suất lao động phổ biến nhất là lấy tổng giá trị gia tăng được tạo ra chia cho tổng số việc làm.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).