Đề xuất bổ sung đối tượng khó khăn vì Covid-19 được hỗ trợ gói 26.000 tỷ
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung thêm nhóm đối tượng thuộc diện được thụ hưởng gói 26.000 tỷ đồng…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa đưa ra các kiến nghị về giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng).
Cụ thể, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) vào diện thụ hưởng gói 26.000 tỷ.
Cơ quan này cũng đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như: nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề cũng được hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với nhóm lao động ngừng việc, theo quy định hiện hành để người lao động được nhận hỗ trợ thì điều kiện là vừa bị ngừng việc, vừa phải cách ly y tế hoặc trong các khu phong tỏa từ 14 ngày trở lên.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất sửa đổi theo hướng người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là “tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các doanh nghiệp đang trong vùng có dịch buộc phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được các tiêu chí “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm” để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa chống dịch.
Thống kê cho thấy chỉ có số ít doanh nghiệp đáp ứng được, tuy nhiên với những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 3 lần và tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%.
Một số ngành sử dụng đông lao động như: chế biến thủy hải sản có đến 70% doanh nghiệp bị đóng cửa vì không thể áp dụng 3 tại chỗ; ngành dệt may khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến 35% doanh nghiệp của ngành phải đóng cửa, có hơn 40.000 lao động khu vực phía Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách…
Việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất dẫn đến hàng triệu công nhân, lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.
Liên quan đến những bất cập trong triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, qua theo dõi tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương cho thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.
Thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung và TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, điều này cũng khiến người lao động gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục nhận hỗ trợ.