Đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi, đưa hãng tàu Việt chinh chiến thị trường quốc tế
Để phát triển đội tàu biển Việt Nam, hàng loạt chính sách được Cục Hàng hải đề xuất để giảm gánh nặng tài chính cho các chủ tàu như miễn thuế VAT 10% khi nhập khẩu tàu biển, miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế cho chủ hàng, nâng cao đội ngũ thuyền viên... Từ đó, tăng thị phần vận tải và giúp một số hãng tàu container Việt vươn ra hoạt động quốc tế...
Cục Hàng hải Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải xem xét triển khai thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030.
GIẢM GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH TẠI THỜI ĐIỂM ĐẦU TƯ
Qua đánh giá thực trạng của đội tàu biển Việt Nam với kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng Việt Nam khó có thể phát triển được đội tàu container để khai thác ở tuyến xa được trong giai đoạn tới đây, mà chỉ có thể bắt đầu với việc tăng cường thiết lập khai thác các tuyến nội Á, để thu hút hàng về các cảng biển lớn của Việt Nam xuất đi Châu Âu và Mỹ.
Việc tăng cường khai thác các tuyến nội Á để từng bước xây dựng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực, tích lũy kinh nghiệm trong khai thác quản lý điều hành… từng bước tạo tiền đề nền móng vững chắc cho việc vươn ra tuyến xa ở giai đoạn sau 2026.
Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất một số chính sách để phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam để nâng cao thị phần vận tải giai đoạn 2021 - 2026.
Đáng chú ý, về giải pháp về tài chính, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, nhằm giảm gánh nặng tài chính tại thời điểm đầu tư, cần cho phép không áp dụng thuế VAT 10% theo quy định hiện nay khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026.
Được biết, thuế VAT nhập khẩu tàu biển hai năm vừa qua lần lượt là 234 tỷ (2020) và 109 tỷ đồng (2021).
Bên cạnh đó, miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG,… và các tàu chở LNG.
"Có chính sách miễn thuế cho các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam. Ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi cho đầu tư mua, đóng mới tàu biển vận tải hàng container; tàu biển vận tải sử dụng nhiên liệu sạch", Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất.
Tiếp đó, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển vận tải hàng hóa hoạt động tuyến nội địa có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam có chính sách cho các chủ tàu Việt Nam có tàu hoạt động tuyến quốc tế có doanh thu ngoại tệ được phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu biển.
Bộ Công thương triển khai các giải pháp để khuyến khích các chủ hàng Việt Nam thay đổi phương thức mua CIF bán FOB sang mua FOB bán CIF đề quyết định quyền vận chuyển cho các chủ hàng Việt Nam và xem xét quy định tất cả các loại hàng hóa được mua sắm từ nguồn vốn nhà nước phải do đội tàu biển Việt Nam chuyên chở trừ trường hợp đội tàu biển Việt Nam không đáp ứng được.
Đến năm 2030, tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính,… tăng năng lực cạnh cạnh với các hãng tàu nước ngoài.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ THUYỀN VIÊN
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên.
Theo đó, cần ban hành chính sách quản lý về nguồn lao động hàng hải đặc biệt là sỹ quan, thuyền viên lao động trên tàu và lao động trong các nhà máy đóng, sửa chữa tàu là những ngành lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Từ đó xây dựng cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động và các chế tài thưởng phạt trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động.
Có chính sách, chế độ ưu đãi đặc thù đối với lao động của ngành vận tải biển nhằm khích người lao động gắn bó lâu dài với nghề.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo trong nước và nước ngoài; củng cố phát triển các trường đại học, cao đẳng dạy nghề chuyên ngành ở cả ba khu vực Bắc, Trung và Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vận hành khai thác tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy, dịch vụ logistics và xuất khẩu thuyền viên.
Đổi mới phương thức đào tạo, thống nhất tiêu chuẩn đào tạo và huấn luyện hàng hải.
Xây dựng các quy chế quản lý, kiểm soát, kiểm định chất lượng độc lập để thực hiện các chức năng quản lý chất lượng đào tạo chuyên môn đối với tất cả các cơ sở đào tạo, huấn luyện.
Xây dựng trung tâm khảo thí sát hạch sỹ quan hàng hải. Thiết lập ngân hàng câu hỏi và giải đáp công bố công khai cho thí sinh ôn tập, kiểm soát chặt chẽ đầu ra nhằm nâng cao chất lượng thuyền viên.
Bảo đảm khả năng làm việc tốt trên tàu biển Việt Nam và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thuyền viên.
Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo thuyền viên theo đúng yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 và các Chương trình mẫu của IMO (IMO Model course).
Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo sỹ quan thuyền viên không qua cấp đào tạo đại học.
Tăng cường phối hợp và gắn kết giữa đơn vị sử dụng thuyền viên với các cơ sở đào tạo, huấn luyện để bảo đảm nhân lực có kiến thức và kỹ năng sát với nhu cầu thực tế công việc và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo...
CẢI CÁCH THỦ TỤC, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP
Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế và cải cách thủ tục hành chính.
Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Xây dựng quy phạm tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm tăng cường tính kết nối, giảm tải cho đường bộ, nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác bền vững, đồng thời, hướng tới kết nối vận tải ven biển trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia,...;
Sửa đổi các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 về đăng kiểm, theo hướng chủ tàu có quyền lựa chọn tổ chức đăng kiểm uy tín phù hợp cho tàu biển của mình trong quá trình hoạt động và khi mua bán tàu.
Sửa đổi quy định về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam đối với tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi.
Cho phép các phương tiện vận chuyển hàng container đóng mới có chân vịt mũi, chiều dài dưới 92m, kết nối cảng biển với cảng thủy nội địa được miễn hoa tiêu hàng hải và tàu lai khi cập cầu.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao vai trò của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam để các hiệp hội có sức mạnh thực chất đại diện cho các hội viên, nâng cao vị thế, vai trò và kết nối chặt chẽ giữa các hiệp hội.
Không áp dụng giới hạn tuổi tàu đối với trường hợp tổ chức, cá nhân mua tàu container cỡ Panamax trở lên đề nghị đăng ký treo cờ quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường...
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tập trung khai thác tối đa lợi thế đội tàu hiện có, tận dụng vận tải trên tuyến nội địa, tuyến vận tải quốc tế gần; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu đội tàu theo đúng định hướng quy hoạch đã được phê duyệt. Hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn phục hồi sản xuất để từng bước nâng cao năng lực, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Về phía Bộ Tài chính, cần sửa đổi các nội dung liên quan đến thuế nhập khẩu tàu biển, thuế VAT, phí trọng tải… cho các chủ tàu mua tàu thuộc đối tượng được miễn giảm thuế, phí nêu trong đề án; miễn giảm thuế cho các chủ hàng Việt Nam khi sử dụng dịch vụ vận tải của đội tàu biển Việt Nam.
Đồng thời, sửa đổi các quy định của Luật giá đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ hàng hải phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt liên quan đến giá cước vận tải hàng hóa container quốc tế.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Đặc biệt, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 3,04 triệu Teus, tăng 12% so với năm trước.
Tuy nhiên, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam ngày càng giảm. Năm 2015, đảm nhận 11% thị phần, đến năm 2018 giảm xuống 7%, có lúc chạm đáy chỉ còn 5%. Đội tàu biển Việt Nam chủ yếu là tàu nhỏ và chủ yếu đảm nhiệm phần vận tải nội địa, đội tàu container chỉ hoạt động tuyến quốc tế ngắn như Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Á.