Dịch vụ logistics cho doanh nghiệp FDI tại miền Trung
Sự gia tăng đầu tư kéo theo nhu cầu lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa đã đặt ra cho các doanh nghiệp logistics yêu cầu cấp thiết về mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chuỗi dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường...
Với lợi thế về vị trí địa lý nằm ngay trên những trục giao thông quan trọng của đất nước, có nhiều cảng biển lớn, cùng với nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây, miền Trung thu hút đông đảo doanh nghiệp FDI đến đầu tư. Sự gia tăng đầu tư kéo theo nhu cầu lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa đã đặt ra cho các doanh nghiệp logistics yêu cầu cấp thiết về mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chuỗi dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
XU HƯỚNG, CƠ HỘI MỚI
Hiện nay, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiêu biểu để xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, đã có 1.810 dự án của 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta với tổng vốn đạt hơn 25,1 tỷ USD, góp phần hình thành các vùng sản xuất lớn, gia tăng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm gần 70% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Điều này cho thấy nhu cầu logistics của các công ty FDI là rất lớn, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp logistics phát triển chuỗi dịch vụ, thu hút nguồn “chân hàng”, thúc đẩy giao thương trong nước và quốc tế.
Nằm ngay trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cảng Chu Lai cũng ghi nhận những tác động tích cực từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thời gian gần đây, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp FDI tại Quảng Nam và các tỉnh lân cận xuất nhập khẩu qua cảng ngày càng tăng.
Hiện nay, cảng Chu Lai đang phục vụ xuất khẩu hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp FDI thuộc các khu công nghiệp Tam Thăng, Bắc Chu Lai, Dung Quất, VSIP như: Happy Furniture, Xindadong Textile, Millennium, Shengyang Textile, Shin Chang Vina, Hyosung, DH Textile… với các mặt hàng chủ yếu là linh kiện điện tử, thiết bị y tế, hàng may mặc, nội thất, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, thực phẩm, hóa chất…
Ông Deokyun Han - Giám đốc Công ty DH Textile (KCN Tam Thăng - Quảng Nam) - một trong những đối tác của cảng cho biết: “Nhu cầu xuất khẩu hàng dệt may số lượng lớn sang các nước trên thế giới và nhập các nguyên liệu phục vụ sản xuất của chúng tôi đang ngày càng gia tăng. Sử dụng dịch vụ logistics trọn gói tại cảng Chu Lai giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian và tối ưu chi phí. Cảng có các chính sách hỗ trợ phù hợp, luôn cung ứng lượng container rỗng kịp thời, thủ tục hải quan nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thay vì xây dựng nhà xưởng để lưu trữ hàng hóa thì việc thuê nhà xưởng, nhà kho sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư. Thời gian qua, đã có nhiều khách hàng ký kết hợp tác với cảng Chu Lai để thuê kho, bãi. Cảng đã đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi với tổng diện tích 224.000 m2, theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu chuyên biệt (kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container), đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa với số lượng lớn và đa dạng chủng loại của các doanh nghiệp FDI.
ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ, THU HÚT DOANH NGHIỆP FDI
Doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có phần sở hữu của các công ty đa quốc gia và sự tham gia quản lý trực tiếp của nước ngoài thường có yêu cầu khá cao về chất lượng dịch vụ logistics. Đặc biệt là tiêu chí về chi phí, thời gian cung ứng và số hóa trong quản lý giao nhận, vận chuyển. Để đáp ứng yêu cầu này, cảng Chu Lai đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng kho bãi, trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại, tiếp tục chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tăng cường liên kết với các cảng biển trong khu vực để nâng cao chất lượng chuỗi dịch vụ.
Nhằm đa dạng hóa các tuyến dịch vụ, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, linh hoạt thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa, cảng đã hợp tác với nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: CMA CGM, ZIM, SITC… mở thêm nhiều tuyến hàng hải kết nối trực tiếp từ Chu Lai đến các cảng quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, cảng đang đẩy mạnh chiến lược “liên vùng” để liên kết với các cảng biển tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hướng tới phát triển mô hình cảng biển thông minh, cảng Chu Lai tăng cường ứng dụng các phần mềm trong khai thác container, giám sát hành trình phương tiện, khai báo hải quan, các ứng dụng kiểm soát hàng hóa tự động… nhằm tiết kiệm thời gian xếp dỡ, giúp khách hàng thuận tiện theo dõi, quản lý hàng hóa, hoàn tất các thủ tục nhanh chóng, chính xác.
Ông Phan Văn Kỳ, Giám đốc Công ty Cảng biển quốc tế Chu Lai cho biết: “Trước những biến động của nền kinh tế, chúng tôi luôn luôn hỗ trợ khách hàng và hạn chế tối đa việc điều chỉnh biểu phí, giá nâng hạ, phí lưu kho bãi cũng như giá các dịch vụ khác liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đồng thời, cảng phối hợp với cơ quan hải quan đơn giản hóa các thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa”.
Hiện nay, cảng Chu Lai đang thực hiện các thủ tục đầu tư dự án bến cảng đón tàu 5 vạn tấn, đồng thời phối hợp với tỉnh Quảng Nam trình đầu tư xây dựng tuyến luồng mới Cửa Lở nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, hướng tới mục tiêu trở thành cảng container lớn nhất miền Trung, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.