Điều chỉnh lên 4 làn xe, tổng mức đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tăng thành 3.753 tỷ đồng
Tại Quyết định số 586 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 3.753 tỷ đồng và nâng lên 4 làn xe ngay trong năm 2023, sớm 2 năm so với chủ trương trước đó...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Quyết định số 586).
ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019; Quyết định số 2275/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 6/4/2022.
Tại Quyết định số 586 nêu rõ việc gộp giai đoạn 1 (2 làn xe) và giai đoạn 2 (4 làn xe) để đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023. Theo đó, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2023 và tăng tổng mức đầu tư dự án lên thành 3.753 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.900 tỷ đồng, gồm: giai đoạn 2016 - 2020 là 500 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là 2.400 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 800 tỷ đồng.
Cùng với đó, vốn ngân sách địa phương là 853 tỷ đồng.
Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019; Quyết định số 2275/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 6/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách trung ương để triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận bàn giao để quản lý, khai thác đối với tuyến chính, nút giao trên tuyến chính và các công trình trên tuyến chính, công trình thuộc nút giao trên tuyến chính sau khi dự án hoàn thành.
UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp nhận để quản lý, khai thác đối với đường gom, đường hoàn trả, cầu vượt qua cao tốc, đoạn nối từ đường Hồ Chí Minh đến nút giao IC9 và các công trình trên tuyến theo địa giới hành chính sau khi dự án hoàn thành.
UBND tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin số liệu và hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chịu trách nhiệm bố trí và sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án.
NÂNG LÊN 4 LÀN XE, SỚM HƠN 2 NĂM CHỦ TRƯƠNG BAN ĐẦU
Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 12/2019. Tháng 4/2022, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.110 lên 3.710 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 40,2 km. Trong đó, đi trên địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km, đi trên địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km. Dự án được thiết kế với 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h nhưng giải phóng mặt bằng 4 làn xe.
Theo chủ trương từ năm 2019, dự án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 2021-2023 hoàn thành tuyến với quy mô 2 làn xe; giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025, nâng lên 4 làn xe.
Đáng lưu ý, theo yêu cầu của Thủ tướng, dự án này đang được điều chỉnh để triển khai ngay giai đoạn 2 trong năm 2023 với 4 làn xe, vận tốc 120km/h. Như vậy, tuyến cao tốc sẽ hoàn thành 4 làn xe sớm ít nhất 2 năm so với chủ trương trước đó.
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
Khi tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; đồng thời, rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập để sớm triển khai hoàn thành dự án.
Tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới kiểm tra tiến độ thi công đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tại công trường dự án, Thủ tướng biểu dương tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, các nhà thầu nỗ lực thi công các hạng mục công trình bảo đảm an toàn, chất lượng.
So với lần kiểm tra trước, tiến độ thi công có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành một số hạng mục chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, trong thời gian này cần phải tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, thực hiện “ba ca, bốn kíp” xây dựng bảo đảm đưa đường cao tốc vào khai thác đúng tiến độ. Các nhà thầu cần phải tập trung lực lượng, máy móc, phương tiện làm việc có trách nhiệm để công trình đạt chất lượng, mỹ thuật và an toàn cao nhất. Đồng thời, chú trọng các giải pháp phòng, chống sạt lở đất ta luy dương, ta luy âm tránh thiệt hại nhất có thể xảy ra.
Quá trình thi công phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, không gây đội vốn, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân, người dân, đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường.
Để khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc và kết nối hiệu quả các tuyến đường trong khu vực, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan giải quyết sớm các nội dung kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thống nhất mở rộng đoạn đường Hồ Chí Minh (điểm cuối tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) bảo đảm đồng bộ về quy mô, nâng cao hiệu quả kết nối.
Đồng thời, cải tạo cục bộ một số vị trí tại nút giao IC7 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sớm khắc phục điểm nghẽn giao thông tại nút giao này.